Google là một công ty công nghệ phát triển trên cơ sở lợi nhuận. Điều khác biệt là họ tình cờ kiểm soát phần mềm Android cung cấp sức mạnh và năng lượng cho 7/10 chiếc điện thoại trên thế giới. Vì vậy, việc kiểm soát phần mềm này là điều phải cân nhắc.
Thực tế, Google không kiếm tiền trực tiếp từ Android, họ tận dụng nó để tạo ra sức mạnh cho hệ sinh thái số của mình. Để thực hiện được điều đó, họ phải bỏ tiền ra để xây dựng, duy trì, lưu trữ và triển khai hệ điều hành điện thoại thông minh này. Android được cung cấp miễn phí nhưng chi phí để duy trì nó là rất lớn và Google là đơn vị sẽ chịu trách nhiệm cho việc này.
Mối quan hệ cộng sinh giữa Google và Android là điều không thể chối cãi. Google kiếm được nhiều tiền hơn nhờ sức mạnh của Android. Android là nền tảng cho các ứng dụng và dịch vụ miễn phí của Google, cơ sở dữ liệu của Android sẽ quay trở lại phục vụ cho việc xây dựng các nền tảng quảng cáo của công ty. Quảng cáo của Google hoạt động tốt hơn bất kỳ công ty nào khác, một phần là do hàng tỷ điện thoại Android được sử dụng hàng ngày.
Việc Android buộc phải tách khỏi Google có thể khiến nhiều tập đoàn lớn chú ý tới thương vụ này. Theo các chuyên gia, đó có thể là Microsoft, Apple, Mozilla, IBM hoặc Oracle….
Trong đó, Microsoft là tiềm năng nhất. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang sở hữu cơ sở hạ tầng phát triển và kinh nghiệm để “kiểm soát” một dự án phần mềm siêu "khủng", được triển khai trên hàng ngàn cấu hình phần cứng khác nhau. Nhưng, Microsoft không hẳn muốn sở hữu Android.
Theo các chuyên gia của Android Central, Microsoft thậm chí muốn thấy Android (và Chrome) biến mất vì việc sở hữu chúng có thể khiến công ty này lại tiếp tục phải đối mặt với các nguy cơ về luật chống độc quyền, tương tự như vấn đề mà Google đang gặp phải.
Về phần Apple, các chuyên gia không cho rằng họ có thể quản lý Android tốt vì triết lý của “Nhà Táo” rất khác Google khi nói đến phần mềm. Apple đang sở hữu iOS và iOS đang ngày càng lớn mạnh. Đó là lý do mà chúng ta có thể tin rằng, Apple cũng sẽ không muốn sở hữu Android.
Các công ty khác như Mozilla đều lại không đủ khả năng thực hiện sở hữu và quản lý hệ điều hành điện thoại lớn nhất thế giới này. Chi phí để duy trì nền tảng, tiền dùng để trả cho Google sẽ là một con số khổng lồ, chưa kể tới các điều kiện ràng buộc của Bộ Tư pháp Mỹ về chống độc quyền cũng sẽ khiến cho việc thu hồi vốn và kiếm lời trở nên không dễ dàng.
Về phần các nhà sản xuất điện thoại Android, ứng cử viên sáng giá nhất là Samsung. Mặc dù công ty Hàn Quốc là nhà sản xuất phần cứng điện thoại hàng đầu nhưng ở lĩnh vực phần mềm thì họ lại đang gặp khó khăn. Điện thoại Android chạy One UI là sản phẩm phần mềm tốt nhất của họ, nhưng phần lớn công việc được triển khai trên chiếc smartphone này lại được thực hiện bởi các công ty khác. One UI là tên gọi của giao diện người dùng (UI - User Interface) tùy biến độc quyền được Samsung phát triển dành riêng cho các thiết bị di động của mình chạy trên nền tảng Android.
Samsung có thể đầu tư hàng tỷ USD để tuyển dụng nhân tài phục vụ cho việc điều hành, quản lý và phát triển phần mềm (Android – nếu họ sở hữu), nhưng theo giới quan sát, việc sở hữu Android không hẳn hấp dẫn đối với công ty này.
Các công ty khác như Motorola hoặc OnePlus cũng không đủ khả năng để phát triển và duy trì Android. Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc thậm chí còn phải lắc đầu lập tức do các vấn đề liên quan đến căng thẳng công nghệ Mỹ- Trung.
Khi những phương án từng bước được loại trừ (theo các chuyên gia), khả năng Android bị mua lại là không dễ dàng, chưa kể Google sẽ không buông tay. Vì vậy, điều mà Google cần là tiếp tục chăm sóc Android và cải thiện nó, thay đổi cách quản lý nó để gỡ bỏ những định kiến của các cơ quan chức năng về vấn đề độc quyền.
Google luôn muốn gắn Android với Gmail, Play Store, Google Play Services và tất cả các sản phẩm khác trong hệ sinh thái số của mình. “Nếu bị tách ra khỏi những thứ đó, Android sẽ trở thành gánh nặng thay vì cơ hội”, các chuyên gia của Android Central cho biết.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/android-se-nhu-the-nao-neu-tach-khoi-google-7221.html