Phụ huynh bất an khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc bữa ăn bán trú

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn chia sẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú là một quy trình toàn diện. Đầu tiên, nguồn nguyên liệu phải được kiểm tra, nếu nguyên liệu bị nhiễm độc hoặc có thành phần độc hại, sẽ gây ra ngộ độc. Ngay cả khi nguyên liệu an toàn, nhưng quá trình chế biến không đạt yêu cầu, vẫn có thể phát sinh vấn đề.

Ngộ độc từ bữa ăn bán trú

Ngày 12/10, UBND quận 3 (TP. HCM) đã có báo cáo nhanh về vụ 6 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bún gạo xào tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Cụ thể, vào ngày 10/10, trong tổng cộng 1.393 suất ăn được cung cấp thì có 1.348 suất bún gạo xào với nem nướng, thịt nướng, canh hẹ, 26 suất ăn chay và 19 suất cháo cho bữa trưa của học sinh.

Sau bữa ăn, có 6 em học sinh gặp triệu chứng đau bụng và nôn. 5 học sinh đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn vào lúc 15h, còn 1 em nghỉ ở phòng y tế trường. Hiện tại, các em học sinh phải vào viện đã được về nhà. Trong thời gian điều trị, nhà trường, đại diện công ty cung cấp suất ăn và các y bác sĩ đã chăm sóc và động viên các em.

ngo-doc-1-1728881104.jpg
Các học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn điều trị tại bệnh viện 

Trong ngày 9 và 10/10, tại trường Cao đẳng Lào Cai, 40 học sinh, sinh viên đã phải nhập viện sau bữa ăn tại căn-tin với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và nôn ói. Trước đó, vào chiều 23/9, 12 học sinh của Trường THCS và THPT Kiên Hải (Kiên Giang) đã đồng loạt nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm ở học sinh, sinh viên do chính thức ăn tại căng-tin đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm trong trường học. Giờ đây, ngoài các khoản phí đầu năm, phụ huynh lại phải lo lắng thêm về bữa ăn của con em mình.

Chị Trần Thanh Lan có con học lớp 11 ở quận 8 (TP. HCM) chia sẻ, chị thường nhắc con chú ý đến phần ăn, nếu thấy dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho giáo viên để kịp thời xử lý. Để an tâm hơn, chị dặn con chụp lại phần ăn hàng ngày để dễ kiểm tra. Tuy nhiên, gần đây có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường xảy ra, lại làm chị lo lắng.

Tương tự, anh Lê Trung Kiên có con học lớp 6 ở quận Tân Phú (TP. HCM) bày tỏ, dù các trường đã nỗ lực đảm bảo an toàn, nhưng phụ huynh không thể hoàn toàn yên tâm khi vẫn có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Anh thường xuyên nhắc con kiểm tra kỹ thức ăn trước khi ăn.

Còn anh Nguyễn Xuân Lai (quận 6, TP. HCM) cho biết, vì nhà xa và cả hai vợ chồng đều bận đi làm nên cho con ăn bán trú tại trường. Anh hy vọng các trường sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn để phụ huynh yên tâm hơn khi gửi con đến trường.

ngo-doc-1728881105.jpg
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú là một quy trình toàn diện

Kiểm tra, giám sát tại nhà trường rất quan trọng

Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ, bếp ăn bán trú tại các trường học, với số lượng suất ăn lớn, có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên các em học sinh nhạy cảm hơn với thực phẩm không an toàn, dễ dẫn đến ngộ độc.

Mặc dù Luật An toàn thực phẩm cùng các nghị định, thông tư đã quy định chặt chẽ về quy trình an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, nhưng vẫn còn một số trường chưa chú trọng đến số lượng và chất lượng bữa ăn cũng như vấn đề vệ sinh.

Ông Sơn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú là một quy trình toàn diện. Đầu tiên, nguồn nguyên liệu phải được kiểm tra. Nếu nguyên liệu bị nhiễm độc hoặc có thành phần độc hại, sẽ gây ra ngộ độc. Ngay cả khi nguyên liệu an toàn, nhưng quá trình chế biến không đạt yêu cầu, vẫn có thể phát sinh vấn đề. Ví dụ, người chế biến thực phẩm nếu không vệ sinh tay sạch sẽ có thể lây nhiễm vi khuẩn vào thức ăn. Sau khi nấu chín, việc sử dụng dụng cụ không hợp vệ sinh cũng có thể làm thức ăn bị nhiễm bẩn.

Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn bán trú thường xảy ra với quy mô lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và tâm lý của phụ huynh. Để ngăn ngừa và kiểm soát nguy cơ, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc kiểm tra, giám sát tại nhà trường. Nếu nhà trường tự nấu ăn, cần thực hiện đúng quy chuẩn an toàn thực phẩm. Trường hợp ký hợp đồng với bên ngoài, nhà trường phải chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cần lập tổ giám sát để kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ và chất lượng thực phẩm.

Theo ông Sơn, nhà trường không thể hoàn toàn giao phó chất lượng bữa ăn cho đơn vị cung cấp. Chúng ta không nên chủ quan rằng ký hợp đồng là hết trách nhiệm. Nhà trường phải chịu trách nhiệm từ khâu ký kết đến giám sát chất lượng bữa ăn. Nếu cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cần kiên quyết không ký hợp đồng hoặc yêu cầu đáp ứng đủ điều kiện trước khi tiếp tục ký kết.

Theo thống kê, TP. HCM hiện có hơn 2.400 trường học và gần 2.000 nhóm trẻ độc lập tư thục. Do số lượng học sinh đông, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục thành phố.

Hồi đầu năm học, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và căn tin trong trường học. Các đoàn kiểm tra sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền địa phương để thực hiện kiểm tra từ ngày 15/9 đến 31/10/2024.

Công tác kiểm tra sẽ tập trung vào nhiều vấn đề, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm nước chế biến, và các tài liệu liên quan đến nguyên liệu thực phẩm.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/phu-huynh-bat-an-khi-lien-tiep-xay-ra-nhieu-vu-ngo-doc-bua-an-ban-tru-7245.html