Từ vụ trẻ em quỳ gối xin tiền trên đường: Cần thay đổi hành vi làm từ thiện

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM cũng đề xuất, các cơ quan liên quan cần có giải pháp định hướng lại các hoạt động từ thiện của người dân và các hội nhóm thiện nguyện hiện nay, tránh tình trạng hỗ trợ không thực sự cần thiết.

Quỳ gối trên đường bất chấp nguy hiểm

Tối 14/10, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP. HCM phối hợp với Công an quận Bình Tân và nhiều đơn vị liên quan tiến hành điều tra vụ việc trẻ em quỳ gối xin tiền. nhiều tổ trinh sát của PC02 cùng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bình Tân đã tiến hành kiểm tra các địa điểm hành nghề và nơi thuê trọ của nhóm người ăn xin tại quận 8. Lực lượng chức năng cũng đã làm việc với một số người có liên quan.

Động thái này diễn ra sau khi Báo Tiền Phong đăng tải bài viết "Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TP. HCM". Nội dung bài viết đề cập đến việc hàng ngày, có hàng chục trẻ em xuất hiện tại các giao lộ từ trung tâm đến vùng ven TP. HCM để ăn xin. Những đứa trẻ đen đúa, phải đội nắng, ngửa mũ xin tiền, thậm chí còn quỳ xuống lòng đường, phả hơi nóng để khiến người dân cảm thấy thương xót. Thời gian làm việc của các em kéo dài từ 10 đến 13 tiếng mỗi ngày.

xin-an-1728976961.jpg
Những đứa trẻ quỳ gối trên đường để xin tiền (Ảnh: Thuận Nhàn/Tiền Phong)

Như tại ngã tư Bốn Xã, nơi giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận Tân Phú, thường là điểm lợi dụng của nhóm chăn dắt trẻ em ăn xin để hoạt động và tránh sự truy quét của cơ quan chức năng. Nhóm này chủ yếu gồm phụ nữ người Campuchia, điều hành các em bé xin tiền là con ruột của họ. Thời gian hoạt động của nhóm kéo dài từ sáng đến tối. Họ thường bán kèm vé số để giảm khả năng bị kiểm tra.

Liên quan đến tình trạng trẻ em quỳ gối xin tiền, bà Phan Thị Mịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) cho biết, chính quyền địa phương đang nỗ lực chấn chỉnh tình trạng này. Bà Mịnh thừa nhận, việc trẻ em ăn xin đã diễn ra từ lâu tại đây, gây khó khăn cho chính quyền trong công tác xử lý.

Bà Mịnh chia sẻ, địa bàn này tiếp giáp với quốc lộ, có lưu lượng phương tiện lớn. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các em thường bỏ chạy, có em chạy ra đường lớn trong khi xe cộ đang đông đúc, rất nguy hiểm. Bà luôn nhắc nhở lực lượng làm nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn cho các em. Bà cũng bày tỏ sự đau lòng khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ đen đúa, hàng ngày phải ngửa mũ, thậm chí quỳ gối xin tiền.

Từ đầu năm đến nay, UBND phường Bình Hưng Hòa B đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tuần tra và tuyên truyền để hạn chế tình trạng trẻ em, người lang thang ăn xin. Ngày 3/9, phường đã làm việc với nhóm trẻ em (2 trai, 1 gái, từ 6 đến 13 tuổi) đang ăn xin trước cổng KCN Vĩnh Lộc và ngã tư Gò Mây, sau đó lập thủ tục đưa các em vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. HCM. Bà Mịnh cho biết thêm, địa phương sẽ tiến hành truy vết và xử lý người chăn dắt.

Thay đổi hành vi từ thiện

TP. HCM đã có nhiều nỗ lực trong xử lý trẻ em, người lang thang xin ăn để đưa vào các trung tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt vào những dịp lễ Tết, tại những khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, TP. Thủ Đức hoặc gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cây xăng, và chợ truyền thống.

xin-an-1-1728976961.jpg
Sau nhiều đợt ra quân, TP. HCM vẫn chưa thể xử lý dứt điểm được tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn trên đường

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, chưa xử lý được triệt để được tình trạng này là do đời sống của nhiều người dân vẫn còn gặp khó khăn, di cư vào thành phố để xin ăn kiếm sống qua ngày. Khi công tác thu dung người lang thang xin ăn được thực hiện quyết liệt hơn, nhiều người đã có hành vi đối phó với lực lượng chức năng. Chẳng hạn, họ giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su… và hoạt động ngoài giờ làm việc, vào ngày nghỉ cuối tuần, hay giờ nghỉ trưa, di chuyển linh hoạt giữa các quận, huyện.

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM cho hay, việc chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác trợ giúp xã hội và quản lý tình trạng người lang thang xin ăn. Công tác thu dung ở nhiều nơi còn thiếu tính đồng bộ và thường xuyên, mang tính hình thức.

Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, để hạn chế và từng bước đẩy lùi tình trạng xin ăn, TP. HCM cần triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng chăn dắt trẻ em, người già, và người khuyết tật. Đặc biệt, cần tuyên truyền đến người dân việc không trực tiếp cho tiền người lang thang xin ăn, nhằm tránh việc "tiếp tay" cho những kẻ chăn dắt.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM cũng đề xuất, các cơ quan liên quan cần có giải pháp định hướng lại các hoạt động từ thiện của người dân và các hội nhóm thiện nguyện hiện nay, tránh tình trạng hỗ trợ không thực sự cần thiết.

Ông Nguyễn Tăng Minh nhấn mạnh, người dân cần thay đổi cách làm từ thiện, không chỉ vì mỹ quan đô thị mà còn vì tương lai của những đứa trẻ lang thang. Chủ trương của thành phố không chỉ tập trung vào việc xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn trên đường, mà còn thiết lập quy chế sàng lọc và xử lý hợp lý cho từng trường hợp cụ thể.

Các đối tượng như người già, người khuyết tật và trẻ em không nơi nương tựa sẽ được đưa đến các cơ sở bảo trợ phù hợp để được nuôi dưỡng và chăm sóc. Đặc biệt, trẻ em lang thang khi được đưa về các cơ sở này còn có cơ hội học văn hóa và nghề nghiệp. Đối với những trường hợp không có giấy tờ tùy thân, thành phố sẽ tổ chức các đoàn công tác để đưa trẻ về địa phương xác minh và làm giấy khai sinh, mã định danh, thẻ căn cước, nhằm đảm bảo cho các em một tương lai ổn định hơn.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-vu-tre-em-quy-goi-xin-tien-tren-duong-can-thay-doi-hanh-vi-lam-tu-thien-7274.html