Bộ Tài nguyên và Môi trường: Địa phương có thể điều chỉnh giá khởi điểm đấu giá đất nếu thấy không phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, việc xác định giá khởi điểm đất đấu giá, theo quy định phải áp dụng bảng giá đất nhưng khi địa phương xây dựng hạ tầng khu đấu giá thấy giá đất còn thấp, không phù hợp, có thể điều chỉnh cục bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa chủ trì cuộc họp với đại diện 21 tỉnh, thành phố về việc triển khai điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024.

Nhiều chỉ đạo mới từ cơ quan chức năng

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 7/10, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, một số nơi còn chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.

Về phía địa phương cũng có những phản ánh về khó khăn trong việc xây dựng quy định, điều chỉnh bảng giá đất, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá sản phẩm trong lĩnh vực đất đai để áp dụng tại địa phương và xác định giá đất để đấu giá…

Trước những vấn đề này Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, tiến độ ban hành các văn bản ở địa phương còn chậm do Luật Đất đai 2024 thúc đẩy mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền; số lượng nội dung giao cho các địa phương quy định nhiều, trong khi lại hạn chế về nhân lực, thời gian, và kinh nghiệm.

thu-truong-1728987402.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Về việc xây dựng bảng giá đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, đây là quy định chuyển tiếp để xử lý cho các địa phương trong giai đoạn từ khi luật có hiệu lực đến ngày 1/1/2026, thời điểm bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu các địa phương thấy bảng giá hiện tại đang ổn định và không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội thì có thể giữ nguyên; ngược lại, nếu cần thiết có thể điều chỉnh tại một số vị trí hoặc toàn bộ nhưng cần tuân thủ trình tự, thủ tục.

Về xác định giá khởi điểm đấu giá đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân dẫn Luật Đất đai quy định rằng đối với khu vực đã đầu tư hạ tầng, cần áp dụng bảng giá đất để xác định giá khởi điểm. Nếu giá đất trong bảng giá còn thấp so với thực tế, địa phương có thể điều chỉnh cục bộ.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, nếu không điều chỉnh bảng giá đất có thể dẫn đến hiện tượng đầu cơ, thao túng giá, gây ra những vấn đề về thổi giá, bỏ cọc. Do đó, các địa phương phải cẩn thận khi xây dựng phương án đấu giá đất.

Để hạn chế, giải quyết việc bỏ cọc trong các cuộc đấu giá đất, Thứ trưởng đề nghị các địa phương rút ngắn thời gian thu tiền sử dụng đất, quy định chặt chẽ về đối tượng tham gia đấu giá, phương thức nộp tiền, đặt cọc…

Là một trong những địa phương đầu tiên công bố dự thảo điều chỉnh giá đất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất về vấn đề này trong thời gian qua, mới đây, TP.HCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo về việc phải “chốt” bảng giá đất trước 14h ngày 16/10.

Vẫn tiếp tục có phiên đấu giá xuyên đêm

Ngà 13/10 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai đã tổ chức đấu giá 54 thửa đất tại khu đất thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, với tổng diện tích gần 5.200 m2.

Phiên đấu giá thu hút gần 300 khách hàng tham gia, với hơn 1.000 hồ sơ, tương đương hơn 5 người quan tâm đến mỗi lô đất. Phương thức đấu giá được thực hiện qua nhiều vòng bỏ phiếu trực tiếp, với tối thiểu 5 vòng đấu bắt buộc. Giá khởi điểm chung cho các thửa đất là 2 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá chỉ kết thúc khi không còn khách hàng nào đưa ra giá cao hơn.

Sau gần 20 giờ đấu giá qua 12 vòng, đến khoảng 2 giờ sáng ngày 14/10, 54 thửa đất đã được đấu thành công. Giá cao nhất đạt gần 55 triệu đồng/m2, gấp 4,4 lần so với giá khởi điểm, trong khi giá trúng thấp nhất là gần 45 triệu đồng/m2, cao hơn mức khởi điểm 3,6 lần.

dau-gia-dat-1728987438.jpg
Các địa phương phải chủ động trong công tác xác định giá khởi điểm đấu giá đất

Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá đạt gần 243 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm khoảng 180 tỷ đồng. Trong khi đó, khảo sát tại các trang bất động sản, giá nhà đất tại xã Yên Sơn dao động từ 28-50 triệu đồng/m2.

Cũng tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức, cách đây 2 tháng, tại các huyện ven như Thanh Oai và Hoài Đức (Hà Nội), các phiên đấu giá đất cũng gây chú ý khi giá trúng cao hơn nhiều lần so với khởi điểm, có lô đất trúng giá lên đến hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 18 lần giá ban đầu.

Ở một diễn biến khác, tại phiên đấu giá 27 lô đất ở huyện Phúc Thọ vào ngày 11/10, 25 lô đã được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất gần 26 triệu đồng/m², cao hơn 30% so với giá khởi điểm, còn 2 lô không đấu thành công.

Trong thời gian qua, thị trường đất nền mặc dù giá tăng ở một số khu vực nhưng giao dịch vẫn khá trầm lắng. Một số nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính đã giảm giá để cắt lỗ nhưng vẫn gặp khó khăn trong giao dịch.

Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng, hiện nay, giá đất nền tại các vùng ven Hà Nội đã ở mức cao, kèm theo rủi ro, phải đến quý II/2025, thị trường đất nền mới có những tín hiệu tích cực ở nhiều khu vực. Do đó, các nhà đầu tư cần chọn những khu vực có hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển nhưng giá đất chưa tăng quá nhiều thời gian qua, đồng thời phải xác định đầu tư trung hạn từ 1 – 3 năm thay vì lướt sóng.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-dia-phuong-phai-chu-dong-trong-cong-tac-xac-dinh-gia-khoi-diem-dau-gia-dat-7280.html