Ngày 15/10, Công an TP. HCM tổ chức hội thảo về tính khả thi và thực tiễn thi hành các dự án luật do Bộ Công an chủ trì, trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8. Tại hội thảo, liên quan đến Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Thượng tá Lê Duy Sâm - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. HCM (PC02) cho biết, tội phạm này có diễn biến phức tạp.
Với hình thức mua bán người trong nước, các đối tượng thường lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các sản phụ không đủ điều kiện nuôi con hoặc sợ bị kỳ thị để thuyết phục họ cho con nuôi. Số tiền mà các đối tượng trả cho các sản phụ thường từ 15 - 20 triệu đồng. Sau khi nhận con, các đối tượng tiếp tục thông qua môi giới để bán trẻ.
Các đối tượng này còn làm giả giấy tờ nhằm hợp thức hóa chứng sinh của trẻ sơ sinh để dễ dàng làm khai sinh. Ngoài ra, có những trường hợp mua trẻ em với mục đích trốn thi hành án. Từ đầu năm đến nay, Công an TP. HCM đã phá 2 chuyên án, khởi tố 17 bị can và giải cứu 52 nạn nhân, trong đó đa phần là trẻ sơ sinh.
Cụ thể, chuyên án vào cuối tháng 8 vừa qua đã triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh dưới vỏ bọc hoạt động cho nhận con nuôi, liên quan đến 32 tỉnh, thành trên cả nước. Thành công này đã phơi bày bộ mặt thật của các nghi phạm tham gia vào hoạt động mua bán người, góp phần ngăn chặn hành vi phạm pháp nghiêm trọng.
Từ chuyên án này, Công an TP. HCM khuyến cáo người dân khi có nhu cầu cho, tặng hoặc nhận con nuôi phải liên hệ cơ quan chức năng làm đúng thủ tục quy định, không nên lên các trang mạng, hội nhóm trên mạng xã hội để cho, xin, nhận trẻ sẽ bị các nhóm tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua bán trẻ em.
Về hình thức mua bán người ra nước ngoài, Thượng tá Lê Duy Sâm cho biết, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài với lời hứa về công việc nhẹ lương cao. Khi nạn nhân "sập bẫy," họ sẽ bị đưa vào làm việc tại các sòng bạc, karaoke hoặc các công ty lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài. Nếu muốn trở về, nạn nhân phải trả số tiền chuộc từ 3.000 đến 5.000 USD.
Ông Sâm cũng cảnh báo về một loại tội phạm mới là bắt cóc trẻ em để quay clip khiêu dâm. Điển hình, đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi (quê Tiền Giang) đã bắt cóc 2 bé gái ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) với mục đích quay clip gửi cho đối tượng ở nước ngoài. Người phụ nữ này đã bị tuyên án 9 năm tù.
Với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), ông Sâm đề nghị cần tăng cường tuyên truyền về các phương thức và thủ đoạn của tội phạm, đặc biệt nhấn mạnh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn về việc nhận con nuôi đúng theo quy định pháp luật. Ông cũng đề xuất tăng cường xử lý nghiêm các hành vi mua bán người, kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em vi phạm, đồng thời phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm.
Trước đó, tại buổi họp báo chiều ngày 28/8, đại tá Phạm Đình Ngọc - Trưởng Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP. HCM chia sẻ, tội phạm trong đời thực và trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp, với việc các đối tượng thường sử dụng không gian mạng để thực hiện các giao dịch và liên kết. Do đó, Công an TP. HCM sẽ thực hiện đồng thời các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm.
Cơ quan công an cũng sẽ tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận biết các thủ đoạn của tội phạm để tránh rơi vào bẫy. Công an TP.HCM cũng sẽ kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, cả trong đời thực và trên không gian mạng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tội phạm mua bán người.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/buon-ban-tre-em-dien-bien-phuc-tap-voi-loai-toi-pham-moi-7292.html