Sự thật phía sau "công nghệ cao" của các thẩm mỹ viện: Xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân

Nhiều cơ sở làm đẹp sử dụng các mỹ từ như “trẻ hóa công nghệ cao”, “thần dược”, “điều trị” để quảng cáo về phương pháp tiêm chất làm đầy cho khách hàng. Nhưng thực chất, đây lại là những cơ sở không đủ điều kiện để thực hiện và nguồn gốc sản phẩm cũng không rõ ràng. Vừa qua, cơ quan chức năng TP. HCM đã xử phạt nhiều đơn vị vì vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Nhiều cơ sở quảng cáo quá mức

Tại Hội nghị “Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ” diễn ra vào ngày 22/8, ông Hồ Văn Hân - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết thực trạng các cơ sở thẩm mỹ không phép cũng có xu hướng tăng, các cơ sở này núp bóng cơ sở có phép, người thực hiện phẫu thuật thì hành nghề chui, tay ngang, không có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, còn có tình trạng các cơ sở quảng cáo quá mức, sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội gây khó trong quản lý.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thẩm mỹ không an toàn là do các cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận mà cố tình không tuân thủ quy định. Cùng với đó, quy định pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống chưa phù hợp thực tiễn, chưa đủ răn đe. Trong khi vẫn còn tình trạng năng lực hành nghề của người thực hiện phẫu thuật chưa đáp ứng yêu cầu thì lại thiếu hệ thống quản lý, giám sát người hành nghề; quảng cáo trên mạng xã hội chưa thực sự được kiểm soát tốt. 

Điển hình, thời gian qua, một cơ sở mang tên I.P (viết tắt cơ sở) có địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận thường xuyên quảng cáo và tư vấn cho khách hàng thực hiện tiêm các chất làm đầy với tên gọi rất kêu.

iris

Rất nhiều chất chưa rõ đặc tính khoa học được cơ sở quảng cáo như thần dược.

Cơ sở này thường xuyên quảng cáo tiêm Filler (một tên gọi khác của chất làm đầy có chứa Hyaluronic Acid); Botox (Botulinum Toxin - là một protein thuộc nhóm neurotoxin do vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra); Meso (thực ra là một kỹ thuật tiêm trong thẩm mỹ nội khoa, không phải chất làm đẹp); NDA+ (Nicotinamide Adenine Dinucleotide - là một coenzyme có vai trò trong quá trình trao đổi năng lượng tế bào);…

Tất cả những chất hay kỹ thuật tiêm này đều được I.P giới thiệu, quảng bá nhằm mục đích “trẻ hóa khuôn mặt cho khách hàng”, “tái sinh làn da”, “điều trị nám da”,… Tuy nhiên thực tế, bằng chứng khoa học về các loại chất này vẫn còn chưa rõ ràng và nhiều chất trong số đó không được Bộ Y tế cấp phép, lưu hành.

Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận ra rằng NAD+ không thể được tiêm trực tiếp vào tế bào do cấu trúc phức tạp của nó, nhưng một số chất tiền thân của NAD+ có thể dễ dàng hấp thụ vào cơ thể và sau đó chuyển đổi thành NAD+.

Tuy nhiên, theo một bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ tại TP.HCM, dù những nghiên cứu này rất hứa hẹn nhưng phần lớn vẫn ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm. Sự hiệu quả và an toàn của việc tăng cường vai trò của NAD+ ở người vẫn cần được xác nhận qua nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn nữa. 

iris 2

 Chưa được cấp phép là cơ sở khám chữa bệnh nhưng cơ sở này đã tự hào có thể "điều trị" các bệnh.

Đồng thời, hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép phương pháp điều trị truyền NAD + tại Việt Nam. Sản phẩm chưa cấp phép thì dung dịch truyền vào cơ thể người mà các thẩm mỹ viện quảng cáo đa phần là xách tay, rất khó kiểm soát về tính an toàn và nguồn gốc. 

Thế nhưng, nhân viên của I.P vẫn tư vấn cho khách hàng tiêm NAD+ như “thần dược” với giá 5 triệu/buổi; mỗi 1 – 2 tháng tiêm lại một lần: “Chị muốn tiêm hoạt chất nào, bọn em nhập về tiêm cho chị chất đó”. 

Đối với tiêm các chất như Filler, Botox hay kỹ thuật tiêm Meso, chỉ có bác sĩ được đào tạo y khoa bài bản, có chỉ hành nghề và chứng chỉ thẩm mỹ nội khoa hoặc thủ thuật da cơ bản và tiểu phẫu da mới được chỉ định, trực tiếp thực hiện.

“Mỗi chất có một mức giá khác nhau, ví dụ dòng Filler Hàn Quốc giá chỉ 3,8 triệu đồng nhưng độ bền khoảng được 1 năm phải tiêm dặm lại, còn dòng châu Âu thì được lâu hơn, khoảng 2 - 3 năm”, một nhân viên tư vấn ở đây cho biết. 

Để tạo lòng tin cho khách hàng, các tư vấn viên ở đây đều khẳng định cơ sở ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3 đã “lên phòng khám”. Tuy nhiên, theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TP.HCM, hiện cơ sở ở địa chỉ này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho bất kỳ phòng khám nào.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, người dân có thể tra cứu thông tin các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề trên trang tra cứu “http://thongtin.medinet.org.vn” và tra cứu thông tin công khai xử phạt vi phạm hành chính tại trang https://thanhtra.medinet.gov.vn/.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967771010, 0989401155) hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến”.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực y tế

Trước tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ vi phạm về quảng cáo, hoạt động, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tang cường kiểm tra, chấn chỉnh. Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM vừa công bố danh sách các tổ chức, cá nhân bị xử phạt do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, xử phạt Công ty Cổ phần quốc tế Việt Nam Nhật Bản – Chi nhánh TP. HCM (địa chỉ tầng 7, tòa nhà Songdo, 62A Phạm Ngọc Thạch, P. Võ Thị Sáu, Q.3) 45 triệu đồng, do có hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế TP. HCM buộc doanh nghiệp này tháo gỡ, xóa bỏ các nội dung quảng cáo chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

JVI có trụ sở chính tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Thành lập năm 2014, được giới thiệu là đơn vị trong lĩnh vực hỗ trợ khách hàng tiếp cận với các dịch vụ y tế Nhật Bản như: trị liệu tế bào gốc, trị liệu miễn dịch, khám và điều trị bệnh tại Nhật Bản...

Công ty TNHH Y dược Bảo Lâm (219D Phạm Viết Chánh, P. Nguyễn Cư Trinh, Q1) bị xử phạt 46 triệu đồng, do không đảm bảo một trong các điều kiện sau khi được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh, trừ hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa và bệnh viện; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tháng Tám (74 Cách Mạng Tháng Tám, P. Võ Thị Sáu, Q.3) 57 triệu đồng. Các hành vi vi phạm, bao gồm: Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định; Lập sổ khám bệnh không ghi chép đầy đủ. Ngoài bị xử phạt, Phòng khám đa khoa Tháng Tám còn buộc phải tháo gỡ những quảng cáo vi phạm.

Xử phạt Công ty TNHH MTV Quốc tế Việt Đức (12 Phó Đức Chính, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1) 46 triệu đồng do không đảm bảo một trong các điều kiện sau khi được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung. Ngoài xử phạt hành chính, Công ty TNHH MTV Quốc tế Việt Đức còn bị tước giấy phép hoạt động 2 tháng; buộc tháo gỡ những quảng cáo vi phạm.

P.V

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/su-that-phia-sau-cong-nghe-cao-cua-cac-tham-my-vien-xu-phat-nhieu-to-chuc-ca-nhan-7325.html