Hàn Quốc sẽ mạnh tay hơn trong ngăn chặn rò rỉ công nghệ

Nhằm ngăn chặn tình trạng rò rỉ công nghệ, đặc biệt là những công nghệ quan trọng ra nước ngoài, Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ chuẩn bị các biện pháp mạnh mẽ hơn, hình phạt nặng hơn trong thời gian tới.

Thông tin được chia sẻ bởi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính của Hàn Quốc, thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ tiên tiến của các quốc gia ngày càng gay gắt.

Bộ trưởng Choi Sang-mok cho biết: “Chúng tôi sẽ ngăn chặn rò rỉ bất hợp pháp các công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu cho các công ty của chúng tôi. Đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo công nghệ bằng cách ngăn chặn rò rỉ bất hợp pháp công nghệ tiên tiến".

choi-sang-muc-1729153518.webp
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính của Hàn Quốc Choi Sang-mok. (Ảnh Kyunghyang Shinmun)

Đánh giá các hình thức rò rỉ, gian lận ngày càng tinh vi, ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tăng cường hình phạt đối với hành vi rò rỉ bí mật thương mại và cạnh tranh không lành mạnh”, tuy nhiên không nêu cụ thể các hình phạt “nặng hơn” sẽ thế nào.

Tờ Kyunghyang Shinmun của Hàn Quốc cũng cho biết, Bộ Tài chính của nước này đang chuẩn bị sửa đổi “Đạo luật ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ bí mật thương mại” (Đạo luật ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh) và Đạo luật xúc tiến phát minh vào nửa đầu năm tới. Việc sửa đổi dự kiến sẽ bao gồm các điều khoản nhằm cung cấp biện pháp giải quyết dân sự và hình sự đối với các nhà “săn đầu người” trong việc thực hiện các thỏa thuận chuyển giao công việc nhằm mục đích rò rỉ công nghệ. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ định về các hành vi vi phạm bí mật thương mại thông qua tấn công mạng, hack và ransomware.

Theo cơ quan Tình báo nước này, trong 5 năm gần đây đã có tới 97 nỗ lực rò rỉ bí mật kinh doanh ra nước ngoài, trong đó có 50 rò rỉ liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.

Cơ quan này ước tính, nếu thành công, các vụ tuồn bí mật công nghệ kể trên có thể gây ra thiệt hại tới 23 tỷ won (16,85 tỷ USD) cho Hàn Quốc. Số vụ tội phạm rò rỉ công nghệ do Văn phòng Công tố tối cao xử lý đã tăng từ 230 vụ vào năm 2021 lên 379 vụ vào năm ngoái.

Nhiều vụ rò rỉ công nghệ cỡ lớn đã được chính phủ nước này phanh phui thời gian qua. Đơn cử, vụ một Giám đốc điều hành người Hàn Quốc tên Choi Jinseog đã bị buộc tội đánh cắp thông tin bán dẫn do Samsung Electronics phát triển lần thứ 2 vào tháng 6 năm nay vì bị cáo buộc rò rỉ công nghệ chip bán dẫn cho Trung Quốc.

Choi – người từng được coi là ngôi sao trong ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc, cũng là một cựu Giám đốc điều hành của Samsung, đã âm thầm điều hành một liên doanh sản xuất chip tại Trung Quốc. Người kỹ sư từng đoạt những giải thưởng danh giá trong ngành đã bị truy tố vào tháng 6/2023, bị cáo buộc tìm cách sao chép thiết kế một nhà máy sản xuất chip do Samsung phát triển để xây dựng nhà máy chip có lợi ích cá nhân mình tại Trung Quốc.

Người này đã được tại ngoại vào tháng 11 năm 2023. Ở lần bị cáo bắt giữ hồi tháng 6 năm này, Choi tiếp tục bị cáo buộc liên quan đến việc đánh cắp thông tin về quy trình xử lý chip DRAM 20 nannomet từ Samsung.

thu-nghiem-ban-dan-1729153882.jpg
Thiết bị thử nghiệm chất bán dẫn được nhìn thấy tại một phòng sạch của Trung tâm Nanofab Quốc gia ở Daejeon, Hàn Quốc. (Ảnh Reuters),

Thực tế, không chỉ Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng cường các biện pháp bảo vệ công nghệ của mình từ góc độ an ninh quốc gia. Năm ngoái, Mỹ đã yêu cầu các công ty từ những “quốc gia cần quan tâm” như Trung Quốc phải báo cáo Bộ Tài chính nếu muốn đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.

Bản thân Trung Quốc, từ năm 2019, nước này cũng đã áp dụng hệ thống trừn phạt gấp 5 lần, tịch thu đối với các hành vi cố ý vi phạm bí mật thương mại.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/han-quoc-se-manh-tay-hon-trong-ngan-chan-ro-ri-cong-nghe-7333.html