Top 3+ những sai lầm thường gặp khi cải tạo nhà ở

Để thực hiện cải tạo nhà ở mà không gặp bất cứ khó khăn gì, bạn nhất định phải tránh khỏi các lỗi lầm thường thấy mà Đô Thị Mới chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Không xác định được nhu cầu cải tạo nhà mới

Khi xây mới, chủ nhà thường được tư vấn kỹ lưỡng về nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên khi cải tạo, nhiều người lại chủ quan, xem nhẹ việc xác định rõ ràng mong muốn của mình. Điều này dẫn đến những thay đổi liên tục trong quá trình thi công, gây lãng phí thời gian, công sức và kéo theo chi phí đội lên đáng kể.

Không xác định được nhu cầu cụ thể khi cải tạo nhà ở là sai lầm thường gặp.

Kỹ sư Nguyễn Huy (Tổng giám đốc Cat Nghi Interior) cho biết: "Trước khi cải tạo, gia chủ cần xác định rõ đây là cải tạo nhỏ hay lớn. Cải tạo nhỏ là những thay đổi đơn giản như chống thấm, sơn lại, lát nền. Còn cải tạo lớn liên quan đến việc thay đổi toàn bộ cấu trúc nhà".

Những câu hỏi bạn cần trả lời trước khi cải tạo:

Xác định rõ từng khu vực cần thay đổi khi có ý định cải tạo nhà ở.

Quên rà soát thông tin quy hoạch

Nhiều gia đình thường có nhu cầu mở rộng không gian sau thời gian sinh sống. Họ quyết định cải tạo, xây thêm tầng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu thi công, không ít người đã phải ngỡ ngàng khi nhận được thông báo dừng thi công từ chính quyền địa phương do sai quy hoạch xây dựng.

Hiểu về quy hoạch xây dựng là rất cần thiết với các ngôi nhà cải tạo lớn.

Quy hoạch đô thị luôn thay đổi và cập nhật, đặc biệt là ở các khu vực đô thị phát triển nhanh. Nếu không nắm rõ thông tin quy hoạch mới nhất của khu vực mình đang sinh sống, nguy cơ phải dừng thi công giữa chừng, thậm chí phải tháo dỡ công trình là rất cao. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình.

Vậy làm thế nào để tránh rơi vào tình huống này?

  1. Công trình cải tạo nhỏ: Nộp đơn xin phép sửa chữa nhà tại Ủy ban Nhân dân cấp phường/xã.
  2. Công trình cải tạo lớn: Nộp hồ sơ xin phép xây dựng/sửa chữa tại Ủy ban Nhân dân cấp quận/huyện.

Lưu ý: Thời gian giải quyết hồ sơ có thể thay đổi tùy thuộc vào quy định của từng địa phương.

Theo dõi thông tin quy hoạch mới nhất để biết các yêu cầu khi xây dựng nhà ở.

Lời khuyên: Để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro, chủ nhà nên nhờ đến sự tư vấn của các đơn vị tư vấn xây dựng có uy tín. Họ sẽ giúp kiểm tra thông tin quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ thủ tục và đảm bảo công trình được xây dựng đúng pháp luật.

Coi nhẹ kết cấu công trình

Không thiếu các vụ sập nhà thương tâm bắt nguồn từ việc không đánh giá đúng khả năng chịu lực của công trình. Việc kiểm tra kết cấu trước khi cải tạo là vô cùng quan trọng. Các kỹ sư sẽ tiến hành các kiểm tra như khoan để đánh giá cường độ bê tông (độ cứng của bê tông), kiểm tra cường độ thép (độ bền của cốt thép),... nhằm xác định xem ngôi nhà có đủ khả năng chịu lực để thực hiện việc cải tạo hay không.

Chú ý tới kết cấu của ngôi nhà khi có ý định cải tạo.

Nếu kết cấu không đảm bảo, các chuyên gia sẽ đưa ra các giải pháp gia cố phù hợp, giúp ngôi nhà trở nên vững chắc hơn. Việc đầu tư vào kiểm tra kết cấu ban đầu sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và đảm bảo an toàn cho ngôi nhà của mình.

Không giữ lại bản vẽ nhà cũ

Khi cải tạo nhà, bản vẽ của ngôi nhà hiện tại chính là "bản đồ" chỉ đường cho mọi công việc. Từ việc xác định cấu trúc bên trong như hệ thống điện nước âm, khung đà dầm, vị trí hố gas... đến việc lên kế hoạch thi công, cải tạo, bản vẽ hiện trạng đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bản vẽ này không chỉ giúp đơn vị thi công nắm rõ chi tiết từng hạng mục mà còn giúp tránh những sai sót đáng tiếc, đảm bảo chất lượng công trình.

Hãy giữ lại bản vẽ nhà để thuận tiện cho việc cải tạo về sau.

Tuy nhiên, nhiều gia chủ lại có thói quen vứt bỏ bản vẽ thiết kế cũ sau khi hoàn thiện ngôi nhà. Với những ngôi nhà chưa từng qua cải tạo, việc đo đạc và vẽ lại bản vẽ hiện trạng có thể được thực hiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với những ngôi nhà đã trải qua nhiều lần sửa chữa, việc này lại trở nên vô cùng phức tạp và tốn kém.

Lời khuyên dành cho các gia chủ là hãy luôn giữ gìn cẩn thận các bản vẽ thiết kế, đặc biệt là các bản vẽ sửa chữa.

Hoàng Ngân

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/top-3-nhung-sai-lam-thuong-gap-khi-cai-tao-nha-o-7354.html