Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Xếp hạng tín nhiệm quyết định đến chi phí vốn của tổ chức phát hành

Theo các chuyên gia, hoạt động xếp hạng tín nhiệm không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư mà còn là yếu tố quyết định đến chi phí vốn của doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam gần đây đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với lượng phát hành tăng mạnh và tâm lý thị trường được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là các khoản nợ và trái phiếu chậm trả cần được giải quyết để khơi thông dòng vốn.

Những cái tên “đến hẹn, lại lên khất nợ”

Trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã liên tục hoãn nghĩa vụ thanh toán vì không thể thu xếp dòng tiền. Đáng lo ngại, một số tổ chức phát hành có dư nợ trái phiếu cao và tình hình tài chính kém tích cực như SDI Corp, Saigon Glory, Hưng Thịnh Land, và Hưng Thịnh Quy Nhơn…

Mới đây nhất, ngày 15/10, Công ty TNHH Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn thông báo chậm thanh toán lãi mã trái phiếu TrinhGiaNguyen.Bond.2020, đến hạn ngày 16/10/2024 với số tiền 890,5 tỉ đồng. Lý do là chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán và công ty đang đàm phán với trái chủ.  Năm 2020, công ty phát hành mã trái phiếu 1.400 tỉ đồng, kỳ hạn 9 năm, đáo hạn 16/4/2029. Ngày 12/5/2023, đã mua lại trước hạn 1 tỉ đồng, giảm dư nợ gốc còn 1.399 tỉ đồng.

BNP Global cũng công bố thông tin chậm thanh toán lãi và gốc mã trái phiếu BNPCH2123002, phát hành 4/10/2021, đáo hạn 4/6/2024 với tổng giá trị 2.100 tỉ đồng. Công ty đã trả 614,2 triệu đồng ngày 27/9, nhưng còn nợ hơn 1.206 tỉ đồng, chưa xác định thời gian thanh toán phần còn lại.

bnp-global-1729255916.jpg
Nhiều doanh nghiệp liên tiếp phải "khất nợ" trái phiếu

Ngày 8/10, Công ty CP Bất động sản S - Việt Nam thông báo chậm trả mã trái phiếu SVNCH2124001, phát hành 7/10/2021, đáo hạn 7/10/2024. Theo kế hoạch, công ty phải thanh toán 2.500 tỉ đồng nợ gốc và 158 tỉ đồng tiền lãi nhưng chưa thu xếp được nguồn. Công ty CP Tonkin Land cũng chậm thanh toán 2,2 tỉ đồng lãi trái phiếu TKLCH2225001, đến hạn 6/5/2024. Doanh nghiệp đang sắp xếp nguồn tiền nhưng chưa công bố nguyên nhân cụ thể.

Thực trạng này diễn ra trong bối cảnh, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của nhiều doanh nghiệp bất động sản sau kiểm toán cho thấy nhiều doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ lớn. Theo VIS Rating, dù thị trường có dấu hiệu khởi sắc, tồn kho vẫn tăng, nhất là với dự án gặp vướng mắc pháp lý hoặc thiếu thanh khoản. Đáng lo ngại, hơn 2/3 các chủ đầu tư niêm yết đang có dòng tiền trả nợ yếu hoặc rất yếu.

Chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thiên Hà – Băng Dương - chủ đầu tư dự án The Esme Dĩ An, tiếp tục báo lỗ 375 triệu đồng trong nửa đầu năm 2024, kéo dài chuỗi thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Thiên Hà – Băng Dương đạt gần 970 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ 0,082 lên 1,494 lần, tương ứng nợ phải trả đạt 1.448 tỷ đồng, tăng 223,5%, trong đó dư nợ trái phiếu chiếm hơn 1.401 tỷ đồng.

Doanh nghiệp phải tự “nâng cấp” để lấy lại niềm tin

Các chuyên gia cho rằng, áp lực đáo hạn tiếp tục là rủi ro lớn đối với thị trường TPDN, đặc biệt khi lượng trái phiếu đến hạn trong quý IV/2024 và năm 2025 vẫn ở mức cao. Trong đó, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nguy cơ quá hạn và nợ xấu cao hơn nhiều so với mức trung bình của thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, đề xuất cần tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực bất động sản. Khi vấn đề này được giải quyết, khối nợ TPDN có thể xử lý trong vòng 2-3 năm. Tuy nhiên, bên cạnh công tác tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho dự án để doanh nghiệp có thể thu tiền về, việc lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trên kênh dẫn vốn quan trọng này cũng hết sức cần thiết.

trai-phieu-doanh-nghiep-1729255820.jpeg
Việc áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm không chỉ là bước tiến về tính minh bạch mà còn là cú hích quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh và sự chuyên nghiệp trên thị trường vốn

Theo đó, sau "khủng hoảng niềm tin" trên thị trường TPDN, minh bạch thông tin trở thành yếu tố then chốt để khôi phục lòng tin của nhà đầu tư, làm nổi bật vai trò của xếp hạng tín nhiệm. Đây là biện pháp đánh giá khả năng trả nợ và rủi ro tín dụng dựa trên dữ liệu từ doanh nghiệp và các thông tin thu thập thêm.

Theo ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc VIS Rating, các hãng xếp hạng phải thực hiện phân tích chuyên sâu và trao đổi với doanh nghiệp, ngân hàng để cung cấp báo cáo trực quan cho nhà đầu tư. Xếp hạng tín nhiệm giúp phân loại trái phiếu theo rủi ro, hỗ trợ nhà đầu tư chọn sản phẩm phù hợp và định giá đúng giá trị trái phiếu, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng ban tại Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhấn mạnh rằng xếp hạng tín nhiệm tạo ra "chuẩn mực chung" để nhà đầu tư so sánh và ra quyết định chính xác hơn, đồng thời giúp quản trị rủi ro thông qua các cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm còn đóng vai trò như "kênh giám sát," khuyến khích các tổ chức phát hành minh bạch hơn.

Cũng theo ông Hà, đây là “yếu tố then chốt quyết định chi phí vốn của doanh nghiệp”. Bởi lẽ xếp hạng tín nhiệm cho phép nhà phát hành chia sẻ câu chuyện tín dụng của mình với thị trường mà không cần tiết lộ bí mật kinh doanh. Báo cáo xếp hạng tích cực không chỉ củng cố niềm tin cho nhà đầu tư mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn.

Cũng theo các chuyên gia, việc áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm không chỉ là bước tiến về tính minh bạch mà còn là cú hích quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh và sự chuyên nghiệp trên thị trường vốn, bởi lẽ, kết quả xếp hạng tín nhiệm tốt giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-xep-hang-tin-nhiem-quyet-dinh-den-chi-phi-von-cua-to-chuc-phat-hanh-7367.html