Các quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực đất đai áp dụng từ tháng 10/2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 4/10/2024.

Phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu dùng giấy tờ đất đai giả

Cụ thể, Điều 27 nêu rõ mức phạt từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ trong việc sử dụng đất. Nếu khai báo không trung thực hoặc tẩy xóa, sửa chữa, dẫn đến sai lệch trong việc cấp Giấy chứng nhận, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Trước đó, Nghị định 102/2014 quy định mức phạt từ 10 đến 30 triệu đồng đối với việc sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, hoặc cấp Giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, hoặc sử dụng giấy tờ giả, đồng thời hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

linh-vuc-dat-dai-1-1729324698.jpg
Nghị định 123/2024 có hiệu lực từ ngày 4/10/2024 đã quy định rõ ràng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Ngoài ra, Điều 28 của Nghị định 123/2024 quy định xử phạt hành vi vi phạm trong cung cấp thông tin đất đai khi thanh tra, kiểm tra hoặc giải quyết tranh chấp. Cụ thể, nếu chậm cung cấp thông tin, giấy tờ liên quan sau 7 ngày kể từ khi có quyết định thanh tra, kiểm tra, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản, sẽ bị cảnh cáo.

Nếu cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, mức phạt sẽ từ 2 đến 5 triệu đồng. Trường hợp không cung cấp thông tin theo yêu cầu, mức phạt sẽ từ 5 đến 10 triệu đồng. Trước đó, theo Nghị định 102/2014, mức phạt đối với hành vi không cung cấp thông tin chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng.

Bán đất không sổ đỏ, không đăng ký đất đai khi làm sổ đỏ lần đầu cũng bị xử phạt

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, để đất được phép mua bán, phải đáp ứng các điều kiện như có sổ đỏ, không có tranh chấp, không bị kê biên hoặc áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án, vẫn còn trong thời hạn sử dụng, và không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Vì vậy, Nghị định 123 quy định, hành vi chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, hoặc thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đáp ứng đủ điều kiện theo Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, sẽ bị phạt từ 30 – 50 triệu đồng.

Đây là mức phạt tiền nêu trên được áp dụng cho cá nhân, trong khi đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi so với mức phạt của cá nhân với cùng hành vi vi phạm. Như vậy, nếu cố tình bán đất khi không có sổ đỏ hoặc đất đang có tranh chấp, tổ chức sẽ bị phạt từ 60 – 100 triệu đồng.

linh-vuc-dat-dai-1729324681.jpg
Phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu dùng giấy tờ đất đai giả

Ngoài ra, bên mua phải trả lại đất, hợp đồng mua bán bị vô hiệu, và các khoản lợi bất hợp pháp sẽ bị thu hồi. Trường hợp đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ, bên vi phạm bắt buộc phải đăng ký đất đai.

Đối với hành vi không đăng ký đất đai khi làm sổ đỏ lần đầu, Điều 16 Nghị định 123/2024 quy định phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Điều này áp dụng cho trường hợp đất đang sử dụng nhưng chưa đăng ký, hoặc đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê chưa thực hiện đăng ký.

Về hành vi tự ý sửa thông tin trên sổ đỏ, Nghị định 123/2024 quy định mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng và tịch thu sổ đỏ đã bị tẩy xóa, sửa chữa. Đối với hành vi sử dụng sổ đỏ giả để mua bán nhà đất, tùy vào mức độ vi phạm, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Khoản 3 Điều 27 Nghị định 123/2024, nếu sử dụng giấy tờ giả khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc các công việc khác liên quan đến đất đai nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự, sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Đồng thời, giấy tờ giả sẽ bị tịch thu và kết quả đăng ký biến động sử dụng đất sẽ bị hủy bỏ nếu hồ sơ giả được sử dụng khi chuyển nhượng.

Ngày 18/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phú Quốc đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Đoàn Văn Tuyên (28 tuổi, trú tại Quảng Trị) trong thời gian 4 tháng để điều tra về hành vi “làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào năm 2020, Tuyên đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng một thửa đất tại Phú Quốc. Đến tháng 4/2023, Tuyên đã ký hợp đồng ủy quyền toàn quyền sở hữu thửa đất này cho ông N.A.T (trú tại Hà Nội) để thế chấp vay số tiền 2 tỷ đồng. Do không có khả năng trả nợ, Tuyên đã sử dụng thửa đất để gán nợ cho ông T.

Vào tháng 8/2023, do đang nợ nhiều người, Tuyên nảy sinh ý định lừa đảo để có tiền trả nợ. Anh ta đã đặt làm giả một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nội dung tương tự giấy chứng nhận thật do Tuyên đứng tên trước đó, với chi phí 20 triệu đồng, rồi dùng giấy giả này để thực hiện hành vi cầm cố, thế chấp.

Tháng 9/2023, Tuyên đến TP. Phú Quốc và liên hệ với ông T.H.Q, cầm cố thửa đất bằng giấy tờ giả để vay 400 triệu đồng. Vì trước đây ông Q biết Tuyên là chủ sở hữu thửa đất nên khi Tuyên đưa sổ đỏ giả, ông Q không nghi ngờ và đã chuyển tiền. Sau khi nhận tiền, Tuyên dùng để trả nợ và tiêu xài, sau đó cắt đứt liên lạc với ông Q và bỏ trốn.


 

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cac-quy-dinh-moi-ve-xu-phat-trong-linh-vuc-dat-dai-ap-dung-tu-thang-102024-7377.html