Môn thi thứ ba thay đổi qua các năm
Ngày 19/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Điểm đáng chú ý nhất là không còn quy định yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức bốc thăm để chọn ngẫu nhiên môn thi thứ ba vào lớp 10 như đề xuất trước đó của Bộ.
Tuy nhiên, dự thảo vẫn giữ quy định thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn. Môn thi thứ ba này phải được công bố trước ngày 31/3 hàng năm và được chọn từ các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Môn thi thứ ba sẽ thay đổi qua các năm nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp cũng được chọn từ các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Về lý do quy định môn thi thứ ba không cố định mà thay đổi hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tuyển sinh THPT cần thúc đẩy giáo dục toàn diện, đảm bảo học sinh có đủ phẩm chất và năng lực để tiếp tục học lên THPT. Nếu học sinh chọn hướng đi phân luồng, học nghề, thì việc học cũng giúp xây dựng nền tảng vững chắc về phẩm chất và năng lực để thực hành nghề nghiệp ngay sau đó.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội chia sẻ, dù cụm từ "bốc thăm môn thứ ba" không còn xuất hiện trong dự thảo, việc yêu cầu thay đổi môn thi mỗi năm vẫn có thể dẫn đến tình trạng các Sở Giáo dục Đào tạo khó tránh việc phải sử dụng hình thức bốc thăm để chọn môn thi. Nếu lựa chọn môn thi dựa trên quyết định chủ quan của lãnh đạo sở, có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề như lộ thông tin, hoặc học sinh và phụ huynh dựa vào phương pháp loại trừ để dự đoán môn thi (môn đã thi năm trước thì năm sau có thể không thi nữa).
Theo vị hiệu trưởng này, giải pháp tốt nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định rõ ràng về việc thi ba môn, nhưng việc chọn môn thi thứ ba nên giao cho địa phương toàn quyền quyết định, với ưu tiên thi ba môn cố định (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Dù thế nào, việc bốc thăm để chọn môn thi thứ ba cũng không nên áp dụng. Giáo dục cần sự ổn định và rõ ràng. Không thể đẩy giáo viên, học sinh và phụ huynh vào tình thế phụ thuộc vào may rủi.
Phụ huynh, học sinh thấp thỏm lo
Khi nghe đề xuất của Bộ, chị Trần Bích Ngọc - có con đang học lớp 9 ở TP. HCM ban đầu còn tưởng đó là trò đùa. Chị Ngọc cho hay, 2 năm liên tiếp có con thi vào lớp 10, nhưng năm nay chị cảm thấy lo lắng, thấp thỏm hơn nhiều. Bởi sự thay đổi này không hề giảm bớt gánh nặng cho học sinh mà ngược lại còn tạo ra sự bất an.
Chị cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 rất quan trọng, ảnh hưởng đến định hướng tương lai của học sinh, trong khi việc vào trường công lập còn căng thẳng hơn cả thi đại học. Việc thay đổi môn thi thứ ba mỗi năm sẽ gia tăng áp lực, buộc nhiều em phải học thêm nhiều môn khác nhau để đối phó. Điều này tạo ra gánh nặng cả về tài chính lẫn tâm lý.
Còn chị Đặng Thị Thu Hương - một phụ huynh lớp 9 ở Hà Nam cho biết, con chị phải học thêm 7 buổi/tuần, trong đó có 3 buổi tiếng Anh, còn lại là Văn và Toán. Nếu không thi tiếng Anh, chị lo con sẽ lãng phí công sức ôn tập và có thể không đạt kết quả tốt ở môn khác.
Cô Thu Hiền - giáo viên tiếng Anh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hơn nửa số phụ huynh của lớp 9 mà cô phụ trách đều nháo nhác nhờ cô tư vấn, tìm chỗ học thêm cho con. Phụ huynh lo lắng nhất là môn Khoa học Tự nhiên vì nặng. Có em đã học thêm rất nhiều, cả vào buổi tối và cuối tuần.
Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, nhận định, nỗi lo lắng của học sinh và phụ huynh là dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn căng thẳng, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo thầy, đề xuất mới của Bộ Giáo dục giao cho địa phương tự chọn môn thi thứ 3 nhưng thay đổi hàng năm về cơ bản không khác gì hình thức bốc thăm. Trước khi đưa ra phương án thi, thầy Ngai cho rằng cơ quan quản lý cần xác định rõ mục tiêu của kỳ tuyển sinh đầu cấp là chọn lọc những học sinh có năng lực tốt nhất để tiếp tục học THPT, khác biệt hoàn toàn so với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.
Học sinh THCS học 10 môn bắt buộc và khi lên THPT chỉ còn 8 môn gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương, cùng với 4 môn tự chọn. Nếu không tính các môn được đánh giá hoặc có yếu tố địa phương, chỉ còn 4 môn chính có tính điểm là Văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Vì vậy, việc tuyển sinh lớp 10 với ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) được thầy Ngai cho là hợp lý. Thầy cũng lưu ý, Lịch sử ở THCS đã tích hợp với Địa lý, nên nếu thi tổ hợp này sẽ gây thêm gánh nặng cho học sinh. Hơn nữa, trong bối cảnh tiếng Anh đang được khuyến khích trở thành ngoại ngữ thứ hai trong trường học, ấn định môn thi này sẽ khuyến khích học sinh tích cực rèn luyện.
Thầy Ngai cho rằng, vấn đề học lệch, học tủ mà Bộ lo ngại có thể kiểm soát phần nào thông qua việc quản lý và kiểm tra đột xuất. Không nên dựa vào thi cử để khắc phục hạn chế trong quản lý.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/mon-thi-vao-lop-10-thay-doi-hang-nam-phu-huynh-hoc-sinh-thap-thom-lo-7407.html