Nghiên cứu mới về AI tại công sở: “Những người có AI sẽ thay thế..."

Một nghiên cứu mới gần đây do nền tảng truyền thông Slack thực hiện cho thấy có 5 loại tính cách AI tại nơi làm việc bao gồm: “Người theo chủ nghĩa tối đa” thường xuyên sử dụng AI trong công việc, “Người ngầm” sử dụng AI một cách bí mật, “Người nổi loạn” ghê tởm AI, “Người hâm mộ cuồng nhiệt” là những người hào hứng với AI nhưng vẫn chưa sử dụng, cuối cùng là “Người quan sát”, là những người đang theo đuổi phương pháp chờ đợi và xem xét.

Slack là một ứng dụng chat cho toàn bộ nhân viên trong một tổ chức đang được rất nhiều tổ chức, tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng hiện nay. Vì vậy, những nghiên cứu về môi trường làm việc nội bộ của họ được đánh giá cao trong lĩnh vực.

Theo nghiên cứu mới của Slack, thực hiện trên cơ sở phỏng vấn chuyên sâu với 5.000 nhân viên văn phòng tại nơi làm việc của họ, chỉ có 50% số người được hỏi thuộc nhóm “Chủ nghĩa tối đa” (Maximalist) hoặc nhóm “Ngầm” (Underground), đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp muốn nhân viên của mình áp dụng công nghệ AI.

cam-xuc-ai-noi-lam-viec-1729555159.webp
Có 5 nhóm người với thái độ khác nhau về AI tại nơi làm việc, từ những người sử dụng mọi lúc mọi nơi cho tới những người chỉ đứng yên quan sát và chờ đợi.

Theo Christina Janzer, Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và phân tích của Slack thì mọi người đang trải nghiệm AI theo những cách rất khác nhau, vì vậy họ sẽ có những cảm xúc khác biệt về nó. Hiểu những cảm xúc đó sẽ giúp hiểu được điều gì sẽ thúc đẩy việc sử dụng AI. “Nếu mọi người cảm thấy tội lỗi hoặc lo lắng về nó, họ sẽ không sử dụng nó. Vì vậy, chúng ta phải hiểu mọi người đang ở đâu, sau đó hướng họ đến việc học cách trân trọng công nghệ mới này”.

Nhóm theo Chủ nghĩa tối đa và nhóm Ngầm đều là những người tiên phong sử dụng AI, nhưng thái độ của hộ có sự khác biệt. Trong đó, Nhóm theo chủ nghĩa tối đa đều đang nhận được giá trị từ AI, họ hào hứng về nó và đang tích cực chia sẻ với mọi người. Trong khi nhóm Ngầm là nhóm đang sử dụng nhưng lại che giấu hành vi đó. Họ lo lắng bị coi là bất tài và việc sử dụng AI là gian lận, vì vậy, cần có những hướng dẫn rõ ràng để họ biết rằng việc sử dụng AI được tôn vinh và khuyến khích.

Cũng theo Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và phân tích của Slack thì có tới 19% nhóm “Người nổi loạn” (Rebel), đa phần là phụ nữ và những người lớn tuổi. Tỷ lệ nam giới sử dụng công nghệ cao hơn so với phụ nữ. Một số phụ nữ có khả năng coi AI là mối đe dọa, họ lo lắng rằng AI sẽ chiếm mất công việc của họ. Điều đó cho thấy phụ nữ không cảm thấy được tin tưởng tại nơi làm việc như nam giới. “Nếu bạn cảm thấy được quản lý tin tưởng, bạn có nhiều khả năng thử nghiệm AI hơn. Phụ nữ không muốn áp dụng công nghệ có thể được coi là sự thay thế họ trong khi nam giới có thể tự tin hơn rằng điều đó không xảy ra vì họ cảm thấy được tin tưởng hơn”, Christina Janzer cho biết.

christina-janzer-1729555284.jpg
Christina Janzer, Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và phân tích của Slack.

Thực tế nghiên cứu cho thấy 3/5 nhân viên văn phòng không có hướng dẫn rõ ràng về AI vì công ty của họ không đề cập đến vấn đề này. Để khuyến khích sử dụng AI một cách công khai, chúng ta có thể tạo ra một nền văn hóa nơi AI được tôn vinh, nơi mọi người có thể thấy cách những người xung quanh sử dụng AI thì họ có thể biết rằng nó được chấp nhận và tôn vinh, được truyền cảm hứng.

Theo bà Janzer, để khuyến khích các nhân viên sử dụng AI vào công việc, các ông chủ cần phải tạo ra một nền văn hóa thử nghiệm, nơi mọi người cảm thấy thoải mái khi trải nghiệm, kiểm tra AI, cảm thấy thoải mái với nó vì nhiều người không biết bắt đầu từ đâu. Chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, không nhất thiết phải thay đổi ngay công việc của mình. “Việc để AI viết email hoặc tóm tắt nội dung là một cách tuyệt vời để bắt đầu hiểu công nghệ AI có thể làm gì”, nữ chuyên gia của Slack cho biết thêm.

“Những người có AI sẽ thay thế những người không có AI”, Christina Janzer khẳng định.

 

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nghien-cuu-moi-ve-ai-tai-cong-so-nhung-nguoi-co-ai-se-thay-the-nhung-nguoi-khong-co-ai-7431.html