Những năm đầu lỗ hàng trăm triệu USD
Thừa ủy quyền Thủ tướng, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã gửi Quốc hội xem xét quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tại đây. Bộ GTVT cho biết, những năm đầu dự án sẽ lỗ hàng trăm triệu USD nhưng lợi ích mà nó mang tới không hề nhỏ.
Trước đó vào giữa tháng 9, chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam (vận tốc 350km/h) đã được hội nghị Trung ương khóa 13 thống nhất. Theo đề xuất của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 67,34 tỷ USD tương đương với hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Đây sẽ là tuyến đường đôi với khổ 1.435mm.
Bộ GTVT cũng tính toán việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị là 34,1 tỷ USD.
Bộ GTVT cho biết, khi quyết định đầu tư dự án đường sắt cao tốc, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem xét hiệu quả tổng thể mà nó mang lại cho toàn nền kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ qua tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải. Năm 2012, tuyến này được đưa vào khai thác và sau 10 năm GRDP của các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi (bình quân 11%/năm).
Với Việt Nam, việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam được xem là “cú hích” tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới.
Bên cạnh đó, đường sắt cao tốc Bắc - Nam còn đem lại cơ hội phát triển du lịch – dịch vụ, đô thị; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng (thép, xi măng); giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và góp phần tăng GDP bình quân của cả nước (ước tính mỗi năm tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm).
Từ đó, Bộ GTVT khẳng định các lợi ích kinh tế trực tiếp, gián tiếp của dự án là rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu cũng như hiệu quả tài chính.
Dòng doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ nguồn thu vận tải, khai thác thương mại để cân đối chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng, trả phí hạ tầng cho Nhà nước.
Theo tính toán của Bộ GTVT, trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu của dự án chỉ bù đắp được chi phí vận hành và bảo trì phương tiện. Đối với chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng của dự án, Nhà nước phải hỗ trợ một phần giống như đang hỗ trợ với hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay.
Dự kiến năm 2037, mức hỗ trợ của Nhà nước là khoảng 238 triệu USD, năm 2038 mức hỗ trợ giảm còn 213 triệu USD, năm 2039 khoảng 187 triệu USD và năm 2040 là khoảng 140 triệu USD. Như vậy sau 4 năm đưa vào khai thác, tổng số tiền cần hỗ trợ từ Nhà nước cho phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng là khoảng 778 triệu USD.
Bộ GTVT cũng cho biết, trong điều kiện thông thường, mất khoảng 33,61 năm để hoàn vốn dự án.
Giá vé dự kiến là 1.309 đồng/km
Theo thông tin từ Liên danh tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS, nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được Chính Phủ triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư toàn tuyến. Trong đó, năm 2027 sẽ khởi công đoạn Hà Nội – Vinh và năm 2028 khởi công đoạn TP. HCM – Nha Trang. Dự kiến tới năm 2035, toàn tuyến sẽ hoàn thành đầu tư.
Khi dự án đi vào khai thác thương mại năm 2037, giá vé dự kiến là 1.309 đồng/km. Lộ trình 5 năm tăng giá vé một lần với mức dự kiến 15%.
Nguồn thu trong phương án tài chính dự án chủ yếu từ bán vé. Tuy nhiên giai đoạn đầu tỉ lệ lấp đầy hành khách trên mỗi chuyển tàu đang được dự tính thấp hơn trong các năm tiếp theo. Do đó nguồn thu sẽ không cao.
Trong khi đó, các hạng mục của dự án cần chi phí lớn như: mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ vận hành khai thác; chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, thay thế phương tiện, thiết bị; chi phí bảo trì, duy tu cơ sở hạ tầng; chi phí bảo hiểm phương tiện (tạm tính bằng 1% chi phí thiết bị); chi phí thuê cơ sở hạ tầng; các loại thuế, phí khác theo quy định.
Như tính toán, dự kiến năm 2037 thu về hơn 974 triệu USD nhưng chi cho dự án 1,248 triệu USD, lỗ gần 238 triệu USD. Liên danh tư vấn cho hay, trong thời gian đầu khai thác, doanh thu chỉ bù được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện.
Liên danh này cũng cho biết, khoản đầu tư ban đầu của dự án là khoảng 6,57 tỷ USD (tương ứng khoảng 9,7% tổng mức đầu tư dự án), tiếp tục đầu tư thêm 13,31 tỷ USD trong quá trình khai thác. Như vậy phải mất khoảng 33,61 năm để doanh nghiệp khai thác có thể hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn này chỉ là hạng mục do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trên hạ tầng có sẵn của Nhà nước, chứ không phải là toàn bộ dự án.
Liên danh tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS phân tích, trong trường hợp bất lợi, doanh thu giảm 10% thì doanh nghiệp khó có thể hoàn vốn. Nếu doanh thu giảm 5% thì thời gian hoàn vốn lên tới 41,18 năm. Với 5 năm đầu, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1,05 tỷ USD.
Ngoài những năm đầu khai thác doanh thu không bù được chi phí, còn một số năm đến kỳ thay thế thiết bị, phương tiện đòi hỏi chi phí rất lớn, cần sự hỗ trợ tiếp tục của Nhà nước.
Chưa hết, doanh thu dự án phụ thuộc rất lớn vào số liệu dự báo nhu cầu vận tải. Vì vậy, TEDI – TRICC – TEDIS cho rằng trong bước tiếp theo, kể cả giai đoạn khai thác cũng cần tiếp tục tính toán chi tiết các thông số này và cập nhật phương án tài chính cho phù hợp.
Biên Thùy
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-can-hon-33-nam-de-hoan-von-7437.html