Bộ Tài chính đang soạn thảo Quyết định nhằm bãi bỏ 9 quyết định trước đây liên quan đến tài chính đất đai. Trong đó, có 4 quyết định liên quan đến việc giảm tiền thuê đất và mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong các năm từ 2020 đến 2023.
Bộ Tài chính bảo vệ quan điểm
Những quyết định này được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. Tổng số tiền giảm cho người dân và doanh nghiệp trong 4 năm lên tới khoảng 11.500 tỷ đồng, với mỗi năm giảm gần 2.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng dự định bãi bỏ 5 quyết định miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án xây dựng công trình phụ trợ đường cao tốc quốc gia, xây dựng kho dự trữ lương thực, kho lạnh bảo quản nông sản, và hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân làng chài, đầm phá. Đồng thời, các quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất cho những hộ gia đình có đất được giao trước năm 1993 tại các khu vực khó khăn cũng nằm trong diện được rà soát.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến thu tiền thuê đất và thuê mặt nước cho năm 2024 là khoảng 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, số thu thực tế đã đạt gần 30.900 tỷ đồng, tương đương 114% so với kế hoạch, và tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân của sự gia tăng này là do chưa áp dụng các chính sách miễn giảm như trong 4 năm trước đó.
Sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất, một số bộ ngành lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh nên mong muốn duy trì quy định miễn giảm thuế. Đơn cử, Bộ Quốc phòng đã đề nghị không bãi bỏ 3 quyết định miễn giảm tiền thuê đất trong các năm 2021, 2022, và 2023 bởi việc dừng hỗ trợ sẽ tác động đến kế hoạch sử dụng đất và tái cơ cấu tài sản của doanh nghiệp quốc phòng.
Tương tự, Bộ Xây dựng cũng đề xuất duy trì quyết định về cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở tại vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ý kiến của các bộ đều không nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính..
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc một doanh nghiệp về thương mại và dịch vụ thể thao tại Hà Nội, doanh nghiệp của bà thuê gần 13.000 m2 đất Nhà nước và trong giai đoạn 2020 – 2023 và phải nộp khoảng 21 tỷ đồng tiền thuê đất.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công ty phải nhiều lần đóng cửa, nhờ chính sách giảm tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính để trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động. Hiện, dù đại dịch đã qua, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, nhiều doanh nghiệp hy vọng chính sách miễn giảm tiền thuê đất sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Bãi bỏ để thay mới
Quan điểm của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, dù việc miễn và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng như các dự án quan trọng và các vùng sâu, vùng xa, đã mang lại những tác động tích cực nhưng chỉ thích hợp trong những hoàn cảnh và thời điểm cụ thể. Hiện, đại dịch COVID-19 đã kết thúc nên việc ngừng các hỗ trợ liên quan là hợp lý.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật, các văn bản pháp luật cần phải được điều chỉnh theo hướng thống nhất và đồng bộ. Việc bãi bỏ các quyết định miễn giảm, nhằm tương thích với Luật Đất đai 2024 là cần thiết.
Thay vào đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo tờ trình xây dựng nghị định của Chính phủ liên quan đến việc giảm tiền thuê đất cho năm 2024. Quy định này áp dụng cho tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, và cá nhân đang thuê đất từ Nhà nước với hình thức trả tiền thuê hàng năm. Đồng thời áp dụng cả cho những người không thuộc diện được miễn, giảm và những người đã được giảm theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án về mức giảm 15% và 30%. Tuy nhiên, cơ quan này dự kiến đề xuất phương án 2 để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại, khi tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm có dấu hiệu chậm lại.
Tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35% và quý IV giảm 0,22% nếu không có tác động của bão số 3. Việc giảm tiền thuê đất có thể làm giảm thu ngân sách từ 2.000 tỷ đồng (theo phương án 1) đến 4.000 tỷ đồng (theo phương án 2).
Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề nghị, ban soạn thảo cần tham khảo ý kiến của các đối tượng chịu ảnh hưởng, đảm bảo nội dung dự thảo phù hợp với Luật Đất đai 2024. Đồng thời, nên xem xét các trường hợp đặc biệt để quá trình chuyển đổi không gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Đồng tình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất, cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể sau khi bãi bỏ để đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng chồng chéo trong quá trình thực thi.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cac-doanh-nghiep-sap-khong-duoc-mien-giam-tai-chinh-ve-dat-dai-7491.html