"Giải cứu" 59.000 tỉ đồng đang mắc kẹt tại 160 dự án bất động sản

Liên quan đến các dự án tồn đọng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước đầu đã thống kê được 160 dự án với tổng số vốn 59.000 tỉ đồng .Tuy nhiên, nếu tiến hành rà soát toàn quốc, con số này có thể sẽ còn tăng lên.

Sáng ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi trong phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội. Trong cuộc thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn và giải phóng nguồn lực từ các dự án đất đai tồn đọng.

Tìm cách “hồi sinh” 59.000 tỉ đồng

Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Nhà nước để giải quyết các vướng mắc cho các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm trưởng ban, cùng sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kiểm sát Nhân dân, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an để tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đã bị đình trệ nhiều năm trên cả nước.

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ phân loại các dự án theo từng nhóm nguyên nhân: nhóm nào do nhà đầu tư gây ra, nhóm nào liên quan đến cơ quan nhà nước. Từ đó, xây dựng cơ chế và chính sách xử lý cụ thể cho từng nhóm, đảm bảo không hợp thức hóa sai phạm, nhưng vẫn phải phân định rõ ràng trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết. Nếu thực hiện tốt điều này, sẽ tạo ra nguồn lực phát triển to lớn.

nguyen-chi-dung-1729959698.jpg

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi trong phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thống kê ban đầu cho thấy có 160 dự án với tổng số vốn 59.000 tỉ đồng đang gặp vướng mắc. Tuy nhiên, nếu rà soát toàn quốc, số lượng dự án sẽ còn nhiều hơn. Chính phủ hiện đang rất quyết tâm thực hiện việc này, nhưng đây là một vấn đề phức tạp, do tồn tại lâu dài và có nhiều sai phạm khó xử lý trên phạm vi rộng.

“Nếu giải quyết được các vấn đề này, sẽ giải phóng một lượng lớn nguồn lực, đóng góp ngay vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giúp nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn và tạo ra nhiều việc làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thực tế, thị trường bất động sản cũng đang chứng kiến sự trở lại của hàng loạt dự án từng bị đình trệ trong thời gian dài. Việc tái khởi động các dự án này đang mang lại nguồn cung mới, là tín hiệu tích cực sau quãng thời gian khó khăn. Cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam đều ghi nhận các dự án bất động sản bị "đắp chiếu" trước đây nay đã được tái khởi động.

Một số dự án tiêu biểu ở phía Bắc bao gồm HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội) và QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội). Trong khi đó, khu vực phía Nam có các dự án như Astral City (TP Thuận An, Bình Dương) và khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An).

Đặc biệt, tại TP.HCM, dự kiến từ quý IV đến nửa đầu năm 2025 sẽ có khoảng 10-12 dự án lên kế hoạch mở bán sơ cấp. Nhiều trong số đó là những dự án cũ vừa được giải quyết vướng mắc pháp lý, chuẩn bị mở bán trở lại như dự án DatXanhHomes Riverside (trước đây có tên là Gem Riverside, quận 2 cũ), dự án Metro Star do Tập đoàn CT Group làm chủ đầu tư (đường Võ Nguyên Giáp (quận 9 cũ, nay là Thủ Đức), dự án Lavida Plus do Công ty Quốc Cường Gia Lai…

Giải bài toán nhức nhối về nguồn cung

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc khôi phục các dự án bất động sản bị đình trệ được xem là yếu tố quan trọng, giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở cấp bách tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Trong bối cảnh giá căn hộ liên tục đạt mức cao mới, việc tái khởi động các dự án đã "đắp chiếu" không chỉ mang lại cơ hội cho các chủ đầu tư duy trì dòng tiền, mà còn đóng góp nguồn cung lớn cho thị trường nhà ở.

Cũng theo ông Đính, việc tái khởi động các dự án bất động sản bị đình trệ trong thời gian qua đang và sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như khối doanh nghiệp tư nhân thông qua các hoạt động M&A dự án.

du-an-hoi-sinh-1729959669.jpg

Các dự án "hồi sinh" được đánh giá là lời giải cho bài toán về nhu cầu nhà ở

Đặc biệt, theo quy định của luật mới, nếu các chủ đầu tư để dự án "án binh bất động" liên tục trong 48 tháng, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ "mất trắng," khi đất bị thu hồi mà không được bồi hoàn. Điều này khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và khẩn trương nỗ lực tái khởi động dự án. Đây được coi là những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch và lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, giá của các dự án “hồi sinh” cũng không hề thấp. Chẳng hạn dự án căn hộ DatXanhHomes Riverside đang được quảng bá rầm rộ trong quý IV, cung cấp 3.200 căn hộ ra thị trường. Năm 2018, dự án này đã từng được giới thiệu ra thị trường với giá khoảng 33 triệu đồng/m2 nhưng hiện giá dự kiến đã ghi nhận tăng gấp 3 khoảng 100 triệu đồng/m2.

Tương tự, giá trước đây của dự án Metro Star trong khoảng 38 – 40 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đang được chào bán với giá khoảng 60 triệu đồng/m2, điều chỉnh thiết kế từ 15 lên 30 tầng. Dự án Lavida Plus cũng đang có mức giá 55 triệu đồng/m2, trong khi giá cũ chỉ khoảng 33 triệu đồng/m2…

Đáng chú ý, tại trong phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra vấn đề của thị trường nhà ở không nằm ở việc thiếu nguồn cung, bởi cung và nhu cầu đều có, nhưng người mua gặp khó khăn trong việc thanh toán do giá nhà quá cao. Mặc dù nguồn cung bất động sản dồi dào, nhưng cơ cấu sản phẩm lại không hợp lý, giá nhà trung bình đang cao gấp 25 lần thu nhập bình quân đầu người tại khu vực đô thị.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giai-cuu-59000-ti-dong-dang-mac-ket-tai-160-du-an-bat-dong-san-7564.html