Nhiều người giàu lên nhờ buôn đất

Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giá đất đang “nhảy múa” với tốc độ chưa từng thấy, nhiều cá nhân không tham gia sản xuất nhưng vẫn giàu lên nhờ đi “buôn đất”, đang làm méo mó thị trường, sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nếu không được kiểm soát kịp thời.

Trong buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết của Chính phủ trong việc triệu tập các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai để thảo luận giải pháp xử lý những bất cập liên quan đến giá đất.

Nhiều người sẵn sàng trả giá cao trong các cuộc đấu giá đất

Trong thời gian qua, các cuộc đấu giá đất với những dấu hiệu bất thường về giá trúng và số lượng hồ sơ đăng ký vẫn tiếp diễn do tâm lý đầu cơ chưa giảm và kỳ vọng về việc bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và sức nóng của thị trường bất động sản tại Hà Nội, nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức giá cao vượt xa giá trị thực để sở hữu các lô đất đấu giá.

Một lý do quan trọng khác khiến giá trúng thầu tăng cao là do hành vi đẩy giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc hoặc không nộp tiền trúng đấu giá. Thậm chí, có người sẵn sàng chấp nhận hoàn thành nghĩa vụ đấu giá nhằm hợp thức hóa giá trúng để "thổi giá" và tạo ra mức giá ảo, từ đó nâng giá các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.

Dù các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo quá trình đấu giá minh bạch và hợp pháp, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, việc mua bán dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán, người tham gia đấu giá hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh lý do. Hiện tượng đẩy giá khi nguồn hàng khan hiếm là không tránh khỏi, và việc quy kết hành vi này là đầu cơ, thổi giá vẫn mang tính cảm tính, do Việt Nam chưa có quy định pháp lý rõ ràng để xử lý hành vi này.

dau-gia-dat-1730030299.jpg

Nhiều người sẵn sàng trả giá cao trong các cuộc đấu giá đất

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, cá nhân trúng đấu giá nhưng không nộp đủ tiền trong 120 ngày chỉ bị phạt bằng cách hủy kết quả và mất tiền cọc, mức phạt này khá nhẹ do giá khởi điểm thường thấp. Dù Luật Đấu giá tài sản đã được sửa đổi để siết chặt quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng các quy định mới này phải đến ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực.

Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam -  VARS, ngay cả khi các quy định mới có hiệu lực, với tình trạng cung cầu mất cân đối và thị trường bất động sản Hà Nội vẫn nóng, khả năng các mức giá kỷ lục tiếp tục xuất hiện trong các phiên đấu giá sắp tới là rất cao. Tình trạng này sẽ dần trở thành điều "thường ngày ở huyện" do tâm lý đầu cơ vẫn mạnh mẽ và kỳ vọng tăng giá bất động sản còn tồn tại.

Cảnh báo đỏ tình trạng nhà nhà đều tính chuyện buôn đất

Liên quan đến vấn đề bất cập của giá đất, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đưa ra ý kiến về sự bất công bằng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, đặc biệt là đối với những người có nhu cầu thực sự do giá cả và cơ cấu sản phẩm khi nguồn cung chủ yếu tập trung phân khúc nhà cao cấp, đắt đỏ, khiến việc sở hữu nhà trở nên khó khăn.

Theo bà Yên, tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, và nhà tái định cư vẫn còn phổ biến, trong khi hiện tượng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng và đầu cơ đất đai, nhà ở vẫn tiếp tục diễn ra. Đồng thời, các luật mới được Quốc hội sửa đổi, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Nhà ở, đang chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi của cử tri.

Trước đó, trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội về vấn đề giá đất, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. HCM) cũng bày tỏ quan ngại về việc giá nhà đất không ngừng tăng cao, xa rời thực tế, khiến nhiều người trẻ không thể mua được nhà.

Bà Lan đặt câu hỏi về việc với bảng giá đất vài trăm triệu đồng/m2, những người mua đất sẽ làm gì để lấy lại số tiền đã bỏ ra, ngoài việc sẽ mua đi bán lại. Điều này lý giải cho tình trạng xuất hiện những người không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn giàu lên nhanh chóng. Người này truyền tai người kia, cuối cùng giá nhà đất bị đẩy lên cao.

dat-dau-gia-1730030354.jpg

Ngay cả các dự án xây dựng cũng bị ảnh hưởng khi giá đất leo thang khiến chi phí đầu tư tăng, khó bán và lợi nhuận giảm

 Ngay cả các dự án xây dựng cũng bị ảnh hưởng khi giá đất leo thang khiến chi phí đầu tư tăng, khó bán và lợi nhuận giảm, trong khi chỉ có những kẻ đầu cơ là vui mừng. Do đó, bà Lan cũng đặt vấn đề về việc đánh thuế với những người sở hữu nhiều bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ. Bà cho rằng quan niệm "sống phải có nhà, chết phải có mồ" của người dân khiến nhiều người dù thu nhập thấp vẫn lao vào mua đất, thậm chí phải vay mượn để trả nợ mua nhà đất, tiền lãi hàng tháng còn nhiều hơn thuê nhà, tạo áp lực cho lực lượng lao động trẻ.

Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để giảm bớt áp lực cho người lao động trẻ, đồng thời cần đánh thuế bất động sản để kiểm soát thị trường. Liên quan đến chính sách thuế bất động sản, vào tháng 9/2024, Bộ Xây dựng đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ sẽ nghiên cứu và đề xuất chính sách đánh thuế đối với những trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và buôn bán ngắn hạn để kiếm lời. Bộ Tài chính cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này, nhằm đảm bảo sự minh bạch và ổn định của thị trường bất động sản.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-nguoi-giau-len-nho-buon-dat-7579.html