Các nước đang đối phó như thế nào với làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc?

Sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử xuyên biên giới đã mang lại lợi thế cho Trung Quốc, nhưng cũng đặt ra thách thức cho nhiều quốc gia trước tình trạng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và việc làm. Để đối phó, các nước đã áp dụng hàng loạt biện pháp như thuế chống phá giá, siết chặt kiểm tra chất lượng và tăng cường sản xuất nội địa nhằm bảo vệ nền kinh tế.

Những kho hàng khổng lồ sát biên giới

Trung Quốc đã vươn lên trở thành "thế lực thống trị" trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Global Times, 5 năm qua, thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đã tăng trưởng hơn 10 lần, trở thành động lực chính thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Một chiếc thắt lưng đặt từ gian hàng Trung Quốc trên sàn Shopee, có giá quy ra tiền Việt là 22.000 đồng, chỉ mất một ngày để vận chuyển từ nhà bán hàng đến kho quốc tế tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi tiếp tục chuyển về Việt Nam. Khoảng 12 tiếng sau đó, đơn hàng này đã được giao thành công đến khách hàng tại Hà Nội, đặc biệt là miễn phí vận chuyển.

hang-trung-quoc-2-1730161821.jpg
Các tổng kho lớn được Trung Quốc lập sát biên giới nhiều nước

Thực tế, tốc độ vận chuyển ngày càng "thần tốc" của các đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics và thương mại điện tử xuyên biên giới từ Trung Quốc, đặc biệt qua chiến lược xây dựng tổng kho thương mại điện tử gần biên giới Việt Nam của Chính phủ Trung Quốc.

Không riêng Việt Nam, Trung Quốc đang tích cực xây dựng các tổng kho quy mô lớn dọc biên giới nhờ vào những chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ dành cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Một ví dụ điển hình là Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam), với diện tích xây dựng lên tới 660.000 m² và tổng mức đầu tư 3,68 tỷ nhân dân tệ (tương đương 525 triệu USD). Sau khi hoàn thành, khu công nghiệp này dự kiến sẽ có khả năng xử lý 50.000 bưu kiện mỗi ngày, tương đương khoảng 800 tấn và giá trị giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 280 triệu USD).

Thông qua các nền tảng thương mại điện tử, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có cơ hội tiếp cận nhanh chóng và rộng khắp đến người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia sát biên giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã và đang làm thay đổi cục diện mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đến cuối tháng 5, quốc gia này có hơn 120.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới và hơn 1.000 khu công nghiệp phục vụ cho lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện sở hữu hơn 2.500 kho hàng ở nước ngoài với tổng diện tích 30 triệu m², trong đó hơn 1.800 kho chuyên phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, chiếm tổng diện tích 22 triệu m².

Biện pháp đối phó của các nước

Sự gia tăng về số lượng và quy mô hàng hóa này cũng đã đặt ra thách thức lớn đối với các quốc gia khi phải đối mặt với các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, mất việc làm trong nước, và nguy cơ phụ thuộc vào hàng Trung Quốc. Để bảo vệ nền kinh tế nội địa, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp đối phó với hàng giá rẻ Trung Quốc thông qua thuế quan, quy định kiểm tra chất lượng và cả các chính sách phát triển công nghiệp.

hang-trung-quoc-3-1730161821.jpg
Hàng giá rẻ Trung Quốc cũng tràn ngập các chợ truyền thống nước ta

Một trong những biện pháp phổ biến nhất mà các quốc gia sử dụng là áp thuế chống phá giá và thuế đối kháng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế chống phá giá được áp dụng khi một quốc gia nhận thấy hàng hóa từ Trung Quốc được bán với giá thấp hơn giá trị thực tế hoặc giá trong nước, nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng. Thuế đối kháng, mặt khác, nhằm vào các sản phẩm nhận trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc, giúp các quốc gia có thể điều chỉnh giá của các sản phẩm này và tạo sự cạnh tranh công bằng hơn.

Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ tiêu biểu khi áp dụng thuế chống phá giá đối với các sản phẩm thép, nhôm và thậm chí là xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Họ cho rằng, chính sách trợ cấp của Trung Quốc giúp hàng hóa này có giá thấp hơn nhiều so với giá thực, gây ảnh hưởng lớn tới ngành sản xuất của châu Âu. Không chỉ EU, Mỹ cũng đã áp thuế đối kháng với hàng loạt sản phẩm như pin mặt trời, máy giặt và thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã áp dụng chính sách miễn thuế và đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa cá nhân có giá trị dưới 800 USD mua từ nước ngoài. Giá trị hàng hóa khai báo dưới mức này đã tăng từ 140 triệu USD một thập kỷ trước lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, trước sự tràn ngập của hàng giá rẻ từ Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang điều chỉnh quy định. Dự thảo quy định mới (đang trong quá trình lấy ý kiến) sẽ lập danh sách các mặt hàng không được miễn thuế, bao gồm cả nhiều mặt hàng dưới 800 USD.

Tại Hàn Quốc, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang ngày càng đe dọa hệ sinh thái bán lẻ của nước này. Với chiến lược định giá cực thấp và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp trong nước đang mất dần sức cạnh tranh trước các đối thủ Trung Quốc.

Để đối phó, chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường kiểm soát bằng cách thành lập lực lượng chuyên trách để giám sát hoạt động của các công ty Trung Quốc. Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc dự kiến sẽ yêu cầu các công ty này chỉ định đại diện tại địa phương để nhanh chóng xử lý các khiếu nại của khách hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn lỗ hổng về thuế, Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với các mặt hàng mua trực tiếp từ nước ngoài có giá trị trên 150 USD, nhưng chưa có quy định nào về thuế đối với tổng giá trị hàng hóa tích lũy trong năm tài chính. Một số chuyên gia đã đề xuất rằng nên áp dụng thuế dựa trên tổng giá trị hàng hóa tích lũy trong cả năm, thay vì đánh thuế từng món riêng lẻ.

Tại Thái Lan, nội các đã phê duyệt 5 biện pháp với 63 kế hoạch hành động nhằm đối phó với tình trạng hàng hóa siêu rẻ và kém chất lượng đang tràn ngập thị trường nước này.

Cụ thể, các biện pháp này bao gồm việc siết chặt quy định về nhập khẩu và hải quan, như tăng cường kiểm tra hàng hóa tại các trạm kiểm soát và tăng tỷ lệ kiểm tra toàn bộ container, đảm bảo hàng nhập khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn hoặc được cấp chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền trong nước.

Chính phủ Thái Lan cũng dự kiến sẽ cập nhật các quy định để phù hợp với thương mại trong tương lai, bao gồm yêu cầu các nhà điều hành thương mại điện tử nước ngoài phải đăng ký và thành lập pháp nhân tại Thái Lan.

Để giảm lượng hàng nhập khẩu, chính quyền có thể áp đặt các loại thuế đối với hàng hóa từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, bao gồm thuế hải quan, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế chống bán phá giá, thuế chống lách luật và các biện pháp bảo vệ khác.

Dù các biện pháp đối phó với hàng giá rẻ từ Trung Quốc của nhiều quốc gia phần nào có hiệu quả tích cực, song không phải không tồn tại thách thức khi có thể làm tăng giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cac-nuoc-dang-doi-pho-nhu-the-nao-voi-lan-song-hang-gia-re-trung-quoc-7605.html