Nỗi lo tai nạn giao thông khi người lớn “quên” đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Hiện nay, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vẫn còn thấp, chỉ khoảng 44%. Nguyên nhân phần lớn đến từ sự thờ ơ, chủ quan của chính người lớn. Các chuyên gia cảnh báo, việc không bảo vệ trẻ đúng cách khi tham gia giao thông sẽ gia tăng nguy cơ tai nạn nghiêm trọng.

Xử lý 7.614 trường hợp trong lứa tuổi học sinh

Khoảng 6h45 - 8h sáng ngày 30/10, tại nút giao Cửa Bắc - Phan Đình Phùng (Hà Nội), phụ huynh đưa con đi học và trẻ tự đến trường rất đông. Dễ dàng nhận thấy, nhiều người lớn chở theo trẻ em trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Khi được hỏi, những người này thường đưa ra lý do giống nhau: Buổi sáng vội vã, nên quên việc đội mũ bảo hiểm cho con.

Tại nút giao này, lực lượng cảnh sát giao thông còn dừng nhiều trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi, chở bạn không đội mũ bảo hiểm và đã bị cảnh sát dừng xe để xử lý.

mu-bao-hiem-3-1730273771.jpg
Nhiều phụ huynh chở con không đội mũ bảo hiểm qua nút giao Cửa Bắc - Phan Đình Phùng sáng 30/10 (Ảnh: Hồng Quang/Tuổi Trẻ)

Việc tăng cường kiểm tra xử phạt vi của học sinh, phụ huynh nằm trong tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh được triển khai trên cả nước. Các biện pháp kiểm tra sẽ được duy trì thường xuyên để nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Riêng tại Hà Nội, báo cáo từ Phòng Cảnh sát giao thông cho thấy, từ ngày 1 - 28/10, toàn thành phố đã xử lý 7.614 trường hợp vi phạm giao thông trong nhóm lứa tuổi học sinh, tạm giữ 3.495 phương tiện. Trong đó, hơn 6.600 trường hợp vi phạm vì không đội mũ bảo hiểm và gần 1.400 trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý 453 phụ huynh giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi lái.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã phối hợp với các ban ngành và trường học tổ chức 147 buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, tiếp cận 134.905 học sinh và 11.232 giáo viên. Họ cũng đã ký cam kết an toàn giao thông với 43.902 học sinh, xây dựng 45 mô hình cổng trường an toàn và trao tặng 1.124 mũ bảo hiểm cho học sinh.

Trung tá Nguyễn Công Hà - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1 cho biết, qua gần một tháng thực hiện, ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh chưa nghiêm túc. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm đúng cách và chở trẻ không an toàn.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT Hà Nội nhấn mạnh, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm tạo thói quen chấp hành pháp luật giao thông cho học sinh trong suốt năm học.

Nguy hiểm khi không đội mũ cho trẻ

Trong gần 1 tháng cao điểm xử phạt, một trong những vi phạm nhiều phụ huynh mắc nhất là không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi chở bằng xe máy. Theo PGS.TS Phạm Việt Cường - Đại học Y tế Công cộng, một khảo sát tại 10 tỉnh thành cho thấy chỉ 44% trẻ em đội mũ bảo hiểm, trong đó có nơi chỉ đạt 28%. Đặc biệt, trẻ dưới 6 tuổi chủ yếu cần sự hỗ trợ từ cha mẹ để đội mũ bảo hiểm.

Ông Cường nhấn mạnh, chúng ta đang có nhận thức sai lầm rằng trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, trong khi quy định này là rất cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi thương vong do tai nạn giao thông.

mu-bao-hiem-1-1730273491.jfif
Tỷ lệ trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vẫn thấp (Ảnh: Nguyễn Huy/Lao động)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 4 phút trôi qua trên toàn cầu sẽ có một trẻ em tử vong do chấn thương vùng đầu liên quan đến giao thông và các trò chơi vận động. Tại Việt Nam, khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng và 4.000 trẻ bị thương hàng năm, chiếm gần 20% tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, thương tích do tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích ở nước ta, chiếm 38,5%. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cũng đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong do chấn thương, với 57,3%, chủ yếu do chấn thương sọ não.

Ông Chính cảnh báo, khi tai nạn xảy ra, trẻ em ngồi trên xe máy có thể rơi xuống đường từ độ cao khoảng hơn 1m với tốc độ 19km/h. Va chạm mạnh với mặt đường có thể gây tử vong ngay lập tức hoặc tổn thương nghiêm trọng đến não nếu trẻ không đội mũ bảo hiểm.

Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế cho thấy, việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ từ 3 - 6 tuổi có thể giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não tới gần 70%, đồng thời giảm gần 80% nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Sau khoảng 16 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là một điển hình trong việc thực thi chính sách này, với tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt trên 90%, thậm chí 95% ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, đặc biệt là tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe máy còn thấp, cùng với đó là tỷ lệ mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn vẫn khá cao, khoảng từ 20 - 45%.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn và tiêu chuẩn cho mũ bảo hiểm trẻ em dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe máy, mặc dù đây là nhóm trẻ dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ nhiều nhất.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, hiện nay chưa có quy chuẩn mũ bảo hiểm dành cho trẻ dưới 6 tuổi, vì vậy cần xem xét sớm việc ban hành tiêu chuẩn này. Ông nhấn mạnh, việc xây dựng quy chuẩn cho mũ bảo hiểm trẻ em không nên chỉ dựa vào các tiêu chí cứng như khối lượng hay độ lún, mà nên tham khảo kinh nghiệm của các nước khác. Mũ bảo hiểm phải nhẹ và thoải mái cho trẻ, không làm ảnh hưởng đến đầu và xương cổ chưa hoàn thiện của trẻ.

Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật Tinh thông cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người ngồi trên xe mô tô hai bánh và xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng cách. Tuy nhiên, Nghị định 123/2021 lại miễn xử phạt với người điều khiển xe trong trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi, dẫn đến nhiều bậc phụ huynh thiếu ý thức trong bảo vệ an toàn cho con mình.

Vì không bị xử phạt, nhiều người lớn vẫn chở trẻ em mà không đội mũ bảo hiểm, tạo ra nguy cơ lớn cho trẻ, đặc biệt khi phần đầu không được bảo vệ trong các tình huống va chạm. Do đó, cần bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển mô tô và xe gắn máy chở trẻ dưới 6 tuổi mà không đội mũ bảo hiểm để nâng cao ý thức chấp hành, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong độ tuổi này.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/noi-lo-tai-nan-giao-thong-khi-nguoi-lon-quen-doi-mu-bao-hiem-cho-tre-7646.html