"Chặn cửa" thao túng chứng khoán bằng cách luật hóa chi tiết 6 nhóm hành vi

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định chi tiết các hành vi bị coi là thao túng chứng khoán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan nhằm nâng cao tính minh bạch thị trường, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư cá nhân.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết sẽ bổ sung quy định nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong phát hành, chào bán chứng khoán. Theo đó, dự thảo quy định 6 nhóm hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán.

Luật hóa chi tiết các hành vi được xem là thao túng thị trường

Đầu tiên phải kể đến những hành vi này là sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác, hoặc thông đồng để liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo.

Hành vi thứ hai là đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng một ngày giao dịch hoặc thông đồng thực hiện giao dịch mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm để tạo giá giả tạo.

Thêm vào đó, mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng lớn vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường cũng được coi là hành vi thao túng, nhằm tạo ra mức giá mở cửa hoặc giá đóng cửa mới cho loại chứng khoán đó. Quy định này đặt ra dựa trên kết quả quá trình giám sát và kiểm tra giao dịch, một số nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư chỉ giao dịch trong một vài ngày (không nhất thiết liên tục) nhưng vẫn có thể tác động đến giá mở hoặc đóng cửa của chứng khoán vào thời điểm nhất định.

thao-tung-ck-1730283584.jpg
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã quy định 6 nhóm hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán

Giao dịch chứng khoán bằng cách lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán cũng là hành vi thao túng, gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán. Ngoài ra, việc đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện truyền thông về một loại chứng khoán hoặc tổ chức phát hành cũng nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của chứng khoán sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với nó.

Cuối cùng, sử dụng các phương thức khác hoặc tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo và thao túng giá chứng khoán cũng được xem là hành vi thao túng.

Theo cơ quan soạn thảo, sở dĩ phải luật hóa các quy định chi tiết về hành vi thao túng là để tăng cường cơ sở pháp lý và đảm bảo sự đồng bộ với Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc thao túng, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bổ sung ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) đề cập đến việc quản lý hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng và đăng ký công ty đại chúng. Theo đó, để khắc phục tình trạng góp vốn khống, dòng vốn ảo, cần bôt sung quy định yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm vào hồ sơ đăng ký.

Báo cáo này phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập tính đến thời điểm doanh nghiệp đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu. Nếu doanh nghiệp được thành lập dưới 10 năm, báo cáo sẽ tính từ thời điểm thành lập. Những quy định này ngoài đảm bảo tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, còn rút ngắn được thời gian xem xét và chấp thuận hồ sơ của cơ quan chức năng, đảm bảo tính chính xác và trung thực nhờ vào vai trò của kiểm toán chuyên nghiệp.

Vẫn cần rà soát kỹ lưỡng tránh nhầm lẫn với nghiệp vụ thông thường

Từ góc nhìn của thành phần tham gia thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhiều vụ việc gần đây đã gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ với rủi ro và tính đầu cơ cao.

Do đó, việc bổ sung quy định về hành vi thao túng sẽ giúp giảm thiệt hại cho thị trường, nhất là khi nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn trong giao dịch hàng ngày. Đồng thời nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, hướng đến phát triển thị trường minh bạch và bền vững hơn.

Tính đến thời điểm 30/9, toàn thị trường có gần 8,82 triệu tài khoản giao dịch của nhà đầu tư chứng khoán trong nước, trong đó, có đến 8,8 triệu tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân. Lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước là 17.371 tài khoản. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã ghi nhận gần 1,6 triệu đơn vị.

thao-tung-ttck-1730283658.jpeg
Việc mua bán chứng khoán khối lượng lớn vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường là hoạt động bình thường và cần thiết trong quản lý quỹ

Tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho rằng việc sửa đổi nhằm làm rõ các hành vi bị cấm và kiểm soát thao túng thị trường chứng khoán là rất cần thiết. Trước đây, quy định chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc điều tra và xác định hành vi thao túng. Việc đưa ra các quy định chi tiết hơn sẽ giúp xử lý các vi phạm hiệu quả và rõ ràng hơn.

Dù đồng tình với những quy định mới nhưng ông Hiển vẫn lưu ý với quy định mua bán chứng khoán khối lượng lớn tại thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường. Theo ông Hiển, quy định này có thể gây rủi ro cho hoạt động của các quỹ đầu tư trong và ngòai nước khi tham gia vào thị trường Việt Nam.

Bởi lẽ, việc mua bán chứng khoán khối lượng lớn vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường là hoạt động bình thường và cần thiết trong quản lý quỹ, không nhằm mục đích thao túng thị trường. Biến động giá trong phiên giao dịch là kết quả tự nhiên theo quy luật cung cầu.

Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, việc cấm các hành vi vi phạm là điều cần thiết nhưng những quy định đó lại ảnh hưởng đến thông lệ của thị trường, thì dễ rơi vào tình trạng "không quản được thì cấm". Do vậy, các quy định cấm phải được thiết kế cụ thể và rõ ràng, càng phải chi tiết, càng dễ thực thi.

Cũng theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Nếu có quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế, điều này sẽ tác động ngay đến việc rút vốn của họ khỏi thị trường. Đồng thời, khi bổ sung hành vi thao túng vào danh sách điều cấm, cần đảm bảo sự đồng bộ với các quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện hành.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trần Bình Minh (42 tuổi, trú tại Hà Nội) cùng 6 đồng phạm về tội thao túng thị trường.

Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 10/2023, nhóm do Minh đứng đầu đã câu kết, lôi kéo nhiều người tham gia đặt lệnh mua bán chứng khoán với mã cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cung cầu và giá chứng khoán.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Minh và các đồng phạm đã lập các nhóm trên Zalo và Telegram để kêu gọi, đưa ra thông tin sai lệch cho nhà đầu tư về các mã cổ phiếu, trong đó có mã CMS mà nhóm này đang nắm giữ. Khi giá cổ phiếu tăng cao, các đối tượng đã bán ra số lượng lớn để thu lợi bất chính, khiến nhiều nhà đầu tư chịu tổn thất nặng nề.

 

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chan-cua-thao-tung-chung-khoan-7652.html