Khó khăn trong giải quyết tình trạng vứt rác bừa bãi ở đô thị

Tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn là vấn đề nhức nhối tại nhiều đô thị lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và mỹ quan đô thị. Dù đã có quy định xử phạt, việc kiểm soát và xử lý vi phạm vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao ý thức cộng đồng.

Khó khăn trong việc xử lý vi phạm

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề vệ sinh môi trường ở các thành phố lớn ngày càng trở nên cấp thiết. Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp, quy định cụ thể về việc giữ gìn vệ sinh công cộng, nhưng tình trạng “tiện đâu bỏ rác đó” vẫn tiếp diễn, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.

Như tại nhiều khu phố và ngõ ngách ở Hà Nội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi. Đơn cử, tại ngõ 58 phố Trần Bình (quận Cầu Giấy), rác chất đống dưới chân cột điện và trong các góc khuất suốt ngày đêm, bốc mùi khó chịu và gây mất vệ sinh.

bo-rac-1730335393.jpeg
Rác được bỏ tùy tiện ngay bên đường

Ngõ 260 phố Cầu Giấy, nơi công nhân môi trường đi gõ kẻng thu gom rác hai lần mỗi ngày, cũng là điểm nóng về tình trạng này. Nhiều hộ dân không chịu tuân thủ quy định, vứt rác ra bất kỳ lúc nào thấy tiện, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa bàn khác như ngõ 84 phố Chùa Láng (quận Đống Đa), vỉa hè phố Dương Quảng Hàm và nhiều tuyến phố ở các quận Nam Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ. Đặc biệt, phố Phan Đình Phùng - một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội cũng không thoát khỏi cảnh tượng này. Thậm chí, nhiều du khách khi đến tham quan cũng tiện tay bỏ rác xuống gốc cây, góc phố khiến hình ảnh Thủ đô trở nên nhếch nhác.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định rõ về việc xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt lên đến 2 triệu đồng cho hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, nhưng việc thực thi lại gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, phường đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào. Lý do là hầu hết các hành vi vi phạm diễn ra vào ban đêm, khiến việc giám sát khó khăn, đặc biệt là khi các đối tượng cố ý tránh camera hoặc lợi dụng những khu vực không có camera giám sát.

Tại phường Thịnh Quang (quận Đống Đa), một trường hợp nam sinh viên bị xử phạt 750.000 đồng vì vứt rác không đúng nơi quy định đã được ghi nhận, nhưng đây là một trường hợp hiếm hoi do may mắn phát hiện được hình ảnh rõ nét của người vi phạm. Với nhiều trường hợp khác, người vi phạm thường di chuyển qua các ngõ ngách hoặc khu vực đông người để vứt rác, gây khó khăn cho việc xác minh danh tính khi họ không phải người cư trú tại địa phương.

bo-rac-1-1730335393.jpg
Gốc cây cũng thành nơi bỏ rác

Nâng cao ý thức người dân

Hiện nay, các địa phương chủ yếu tập trung vào biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Các tổ dân phố, ban ngành, đoàn thể được khuyến khích thực hiện các buổi truyền thông về tác hại của việc vứt rác bừa bãi và lợi ích của việc đổ rác đúng nơi, đúng giờ.

Nhiều chuyên gia đánh giá, để nâng cao ý thức về việc không rả rác bừa bãi thì cần được giáo dục từ khi còn nhở. Như ở Nhật Bản, trẻ em thường xuyên được người lớn nhắc nhở về việc không làm phiền người khác, từ đó hình thành nhiều đức tính tốt như không nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng, không ăn uống có mùi trên phương tiện giao thông công cộng, tránh khạc nhổ và không xả rác bừa bãi. Điều này đòi hỏi người lớn phải làm gương, đảm bảo sự nhất quán giữa lời nói và hành động.

Hay tại Singapore, trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo đã được dạy cách phân loại rác. Các cấp học cao hơn còn tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền nhằm duy trì thành phố xanh, sạch, đẹp, tạo thành thói quen tốt trong cộng đồng.

Ở Pháp, quy định phân loại rác rất rõ ràng và nghiêm ngặt, áp dụng từ hộ gia đình đến nơi công cộng. Người dân có thể bị phạt nặng nếu không thực hiện đúng. Nhờ được giáo dục từ nhỏ, ý thức giữ gìn vệ sinh và không vứt rác nơi công cộng đã trở thành thói quen đương nhiên của mỗi người dân.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, việc chỉ dựa vào tuyên truyền là chưa đủ. Cần có thêm biện pháp mạnh mẽ hơn như lắp đặt thêm camera giám sát ở những điểm nóng về vi phạm vệ sinh môi trường, đặc biệt là những khu vực hay bị bỏ rác bừa bãi.

Ngoài ra, các camera cần có độ phân giải cao, đảm bảo ghi lại được hình ảnh rõ nét để hỗ trợ cho việc xác định danh tính người vi phạm. Các địa phương cũng nên áp dụng biện pháp tuần tra thường xuyên hơn, đặc biệt là vào những khung giờ người dân thường vứt rác không đúng nơi quy định.

Việc phát động các phong trào thi đua xây dựng “Khu phố xanh, sạch, đẹp” cũng là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm thay đổi ý thức người dân. Khi ý thức cộng đồng về giữ gìn vệ sinh được nâng cao, các cá nhân sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ quy định. Những khu dân cư có mô hình tự quản lý vệ sinh môi trường và tổ chức các buổi nhắc nhở định kỳ có thể là tấm gương để các khu vực khác học hỏi.

Chỉ khi ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường ăn sâu vào từng cá nhân, thì mới có thể có môi trường sống tốt hơn, sạch sẽ hơn.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/kho-khan-trong-giai-quyet-tinh-trang-vut-rac-bua-bai-o-do-thi-7659.html