Người tiêu dùng siết chặt hầu bao khi giá cả leo thang, chi tiêu Tết dự báo sẽ thận trọng

Giá cả leo thang khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên nhu yếu phẩm và săn hàng khuyến mãi để giảm gánh nặng tài chính. Dự báo dịp Tết năm nay, nhiều gia đình sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong mua sắm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Thắt chặt chi tiêu

Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, người tiêu dùng vẫn đang điều chỉnh lại thói quen mua sắm, ưu tiên nhu yếu phẩm và tìm kiếm các sản phẩm khuyến mãi để cân đối chi tiêu. Chị Nguyễn Minh Thu (Long Biên, Hà Nội) cho biết việc mua sắm giờ đây trở thành “cuộc cân đo đong đếm” khi các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá.

Trước dãy kệ đầy túi nước giặt trong siêu thị, chị không ngừng cân nhắc và so sánh từng loại để tìm sản phẩm có giá cả phù hợp nhất. Thay vì quyết định ngay tại siêu thị, chị chọn về nhà theo dõi các chương trình giảm giá trên mạng, chờ cơ hội săn được mức giá ưu đãi hơn. Theo chị Thu, mọi thứ đều đắt đỏ hơn, trong khi thu nhập của hai vợ chồng tôi vẫn giậm chân tại chỗ. Con sắp vào lớp 1, chi tiêu cho gia đình vì thế cần phải cân đối chặt chẽ hơn.

mua-hang-2-1730422186.jpg
Nhiều người hiện nay ưu tiên chỉ mua hàng thiết yếu để tiết kiệm chi phí sinh hoạt

Chị Trần Thị Hoài (Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù vẫn chọn mua các mặt hàng chất lượng cao như trước đây nhưng giờ đây chỉ mua vào khung giờ ưu đãi để giảm bớt chi phí. Chị sẵn sàng dậy sớm để đến siêu thị khi có chương trình khuyến mãi hoặc tới sát giờ đóng cửa để tận dụng các sản phẩm ưu đãi.

Theo khảo sát từ Vietnam Report, khoảng 40% người tiêu dùng cho hay, tình hình tài chính của họ chưa cải thiện rõ rệt trong những tháng cuối năm, khiến thói quen chi tiêu thay đổi đáng kể. Thay vì mua sắm đa dạng, nhiều người hiện chủ yếu mua các mặt hàng khuyến mãi và nhu yếu phẩm.

Các chuỗi bán lẻ lớn cũng ghi nhận mức tăng trưởng tiêu dùng khiêm tốn. Đại diện MM Mega Market cho biết, mặc dù số lượng hóa đơn mua sắm đã tăng 9% so với năm trước, nhưng giá trị trung bình mỗi giỏ hàng không thay đổi, chủ yếu xoay quanh 800.000 đồng với các mặt hàng thiết yếu.

Tại hệ thống Co.opmart của Saigon Co.op, hóa đơn trung bình hiện đạt khoảng 400.000 - 500.000 đồng, tương đương năm ngoái, cho thấy người tiêu dùng đang cẩn trọng hơn với chi tiêu của mình.

Chi tiêu Tết thận trọng

Theo bà Đinh Thị Thúy Phương - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt mức tăng trưởng trên 10% như thời kỳ trước dịch Covid-19. Bà Phương cho rằng, sức mua trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn yếu, trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng về triển vọng tài chính trong tương lai.

mua-hang-1-1730422063.jpg
Nhiều chuyên gia nhận định người tiêu dùng sẽ duy trì thói quen chi tiêu thận trọng trong dịp Tết sắp tới

Nguyên nhân khiến chi tiêu của người dân chưa tăng mạnh là do ảnh hưởng của kinh tế sau đại dịch và áp lực giá cả. Ông Huỳnh Hoàng Phương - chuyên gia tài chính độc lập đánh giá, mức tăng trưởng tiêu dùng 9 tháng đầu năm (6,18%) thấp hơn so với GDP (6,4%) cùng kỳ.

Thực tế, các chỉ số cho thấy tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hiện nay chỉ bằng 5% khi loại trừ yếu tố lạm phát, dù lượng khách quốc tế trong 9 tháng qua đã tăng 43% so với năm trước. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng, đồng thời cho thấy tình hình tài chính của người dân còn nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, thu nhập của người dân cần được cải thiện để khuyến khích chi tiêu mạnh mẽ hơn. Chính sách tăng lương cơ sở 30% và lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7 vừa qua là một nỗ lực của Chính phủ nhằm nâng cao đời sống người lao động. Tuy nhiên, để thu nhập cải thiện thực sự, cần đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, vì đây là nguồn tạo việc làm chính và góp phần tăng thu nhập một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ông Việt cảnh báo khi chính sách tài khóa chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt vào năm 2025, Chính phủ nên cân nhắc việc tăng thuế, phí, tránh làm tăng áp lực lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn, họ sẽ buộc phải tăng giá bán, khiến người tiêu dùng chịu thêm gánh nặng. Điều này có thể gây tác động ngược đến các chính sách kích cầu tiêu dùng hiện nay.

Với những áp lực tài chính hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì thói quen chi tiêu thận trọng trong dịp Tết sắp tới, dù nhu cầu mua sắm tăng theo mùa. Bên cạnh các chương trình khuyến mãi, kích cầu, điều cốt lõi để khuyến khích chi tiêu là tạo ra công việc ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp và nhà bán lẻ dự kiến sẽ phải tìm cách tạo ra nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn để thu hút người mua, đồng thời duy trì chất lượng hàng hóa và gia tăng độ tin cậy trong mắt khách hàng.

Trong thời gian tới, việc đảm bảo tăng trưởng bền vững thu nhập cho người dân sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển sức mua lâu dài và góp phần duy trì đà phục hồi kinh tế.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-tieu-dung-siet-chat-hau-bao-khi-gia-ca-leo-thang-chi-tieu-tet-du-bao-se-than-trong-7678.html