Nhà trường không phải "thu hộ" BHYT: Giáo viên giảm áp lực, chuyên tâm giảng dạy

Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư TP. HCM cho rằng, chuyển giao trách nhiệm thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh từ nhà trường cho các cơ quan chuyên trách, sẽ giúp giảm bớt áp lực, để giáo viên tập trung hơn vào công tác giảng dạy.

Nhà trường không thu tiền bảo hiểm y tế

Chiều 31/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đã nêu ra vấn đề việc thu tiền BHYT từ học sinh đang tạo áp lực cho giáo viên và thậm chí gây ra những xung đột không cần thiết với phụ

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng chia sẻ, giáo viên thường phải năn nỉ phụ huynh, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và tâm trí dành cho việc giảng dạy. Nếu không đạt chỉ tiêu thu, giáo viên sẽ bị ảnh hưởng trong việc đánh giá, phân loại thi đua và khen thưởng.

bhyt-1-1730436266.jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Bà cũng cho hay, nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ các quy định liên quan đến việc mua BHYT cho học sinh, dẫn đến hiểu lầm rằng "nhà trường thu tiền là để kiếm lợi hoặc nhận hoa hồng". Từ đó, việc thu tiền này đã gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa giáo viên và phụ huynh.

Để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm hơn trong công việc giảng dạy, bà đề nghị ban soạn thảo xem xét loại bỏ quy định về việc nhà trường thu tiền BHYT cho học sinh và chuyển giao trách nhiệm này cho chính quyền địa phương. Bà cũng nhấn mạnh rằng cơ quan bảo hiểm tại trường chỉ cần cung cấp danh sách học sinh và thông tin về việc mua bảo hiểm y tế cho phụ huynh.

Bà cũng đề xuất nghiên cứu về việc cho học sinh tham gia BHYT theo hộ gia đình và nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các em.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng nhận định, học sinh, sinh viên thuộc diện phải đóng BHYT tại trường, nhưng việc thực hiện quy định này gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tham gia BHYT là bắt buộc, nhưng không có chế tài xử lý với học sinh, sinh viên không tham gia do còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình.

Ông đồng ý với việc đưa mức đóng BHYT của học sinh về theo nhóm hộ gia đình để đảm bảo công bằng. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, cần tiếp tục phân bổ kinh phí dựa trên số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại từng trường.

Trong khi đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang tán thành việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT từ Nhà nước, nhưng đề xuất không nên yêu cầu học sinh đóng BHYT theo nhóm hộ gia đình.

Bà chỉ ra rằng, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên hiện là 4,6% mức lương cơ sở. Với sự tăng cao của lương cơ sở gần đây, mức đóng BHYT đã trở nên nặng nề so với thu nhập của hầu hết các gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học và tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị ban soạn thảo xem xét giữ nguyên quy định hiện hành và kiến nghị Nhà nước tăng mức hỗ trợ tối thiểu lên 50% cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Ngoài ra, bà cũng cho rằng những hộ vừa thoát nghèo cần được bổ sung vào danh sách được ngân sách hỗ trợ mua BHYT.

bhyt-1730436266.jpg
Giáo viên sẽ bớt áp lực hơn khi không còn phải thu hộ BHYT

Áp lực lên giáo viên, nhà trường

Vào năm 2022, vụ việc một trường học tại Hà Tĩnh gọi tên học sinh cuối buổi chào cờ vì các em này chưa đóng tiền bảo hiểm gây bức xúc dư luận. Nhiều người cho rằng, cách kỷ luật học sinh như bêu tên trước tập thể, đọc tên dưới cờ chỉ làm tổn thương những đứa trẻ yếu đuối hoặc khiến học sinh lì sẽ lì thêm chứ khó mà ngoan hơn. Có người lại đánh giá, vụ việc này xảy ra có một phần nguyên nhân từ việc nhà trường bị áp lực thu tiền BHYT.

Liên quan đến đóng BHYT, luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014, BHYT là bắt buộc với trẻ em dưới 6 tuổi, được ngân sách nhà nước chi trả. Học sinh, sinh viên nằm trong nhóm nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với mức hỗ trợ tối thiểu 30% hoặc cao hơn, tùy thuộc vào khả năng ngân sách của một số địa phương.

Luật sư Phát giải thích, học sinh, sinh viên là nhóm bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế, nhưng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Hiện tại, do quy định về nhóm đối tượng tham gia và mức hỗ trợ, học sinh phải mua bảo hiểm y tế qua trường học. Tuy nhiên, học sinh thuộc gia đình hộ nghèo hoặc dân tộc thiểu số không cần mua tại trường vì đã được địa phương hỗ trợ từ ngân sách.

Ông nhấn mạnh, đây là một chính sách nhân văn mà Nhà nước đã ban hành, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân, không nhằm mục đích lợi nhuận. Do đó, nếu phụ huynh không mua bảo hiểm y tế cho con em mình, họ đang vi phạm quy định này.

Tại sao trong suốt nhiều năm qua, việc thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh lại trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều giáo viên? Luật sư Lê Trung Phát cho biết, vệc nhà trường đứng ra thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh đang chiếm dụng thời gian quý báu của thầy cô, đồng thời có thể dẫn đến xung đột không mong muốn giữa nhà trường và phụ huynh.

Ông cho biết thêm, nhiều phụ huynh hiểu lầm rằng nhà trường bán bảo hiểm và được hưởng lợi từ đó, vì vậy họ cảm thấy bị ép buộc phải mua bảo hiểm cho con em mình. Đồng thời, một số trường còn chịu áp lực về việc đánh giá học sinh không tham gia bảo hiểm y tế, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em.

Luật sư Phát đề xuất, cơ quan quản lý về bảo hiểm nên ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định rõ ràng về cơ quan tiếp nhận và bán bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Việc này sẽ giúp chuyển giao trách nhiệm thu bảo hiểm từ nhà trường về cơ quan bảo hiểm. Nhà trường chỉ cần cung cấp danh sách phụ huynh và học sinh để cơ quan bảo hiểm trực tiếp làm việc với phụ huynh và thu tiền bảo hiểm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu xung đột không đáng có và đảm bảo thực hiện tốt chính sách nhân văn của Nhà nước.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giam-ap-luc-cho-giao-vien-khi-thu-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-chuyen-giao-cho-co-quan-chuyen-trach-7683.html