Sáng ngày 1/11, Quốc hội đã có phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (PCCC&CNCH) với nhiều nội dung quan trọng được điều chỉnh. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản dự thảo lần này đã được rút gọn còn 59 điều, giảm 6 điều so với bản trình ban đầu nhờ việc gộp các nội dung có tính tương đồng. Dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật vào ngày 27/1.
Bổ sung thêm nhiều quy định
Một trong những điểm mới của dự thảo luật mới là bỏ đã bỏ quy định xem PCCC là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc điều chỉnh này nhằm thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ PCCC, giúp các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thuận lợi hơn trong hoạt động, tăng cường sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự giám sát của nhà nước.
Bên cạnh đó, tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với 2 loại hình này.
Về trách nhiệm trong PCCC&CNCH, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định chi tiết cho từng cá nhân liên quan, người đứng đầu cơ sở, chủ xe, người quyết định đầu tư, đến chủ đầu tư, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng công trình, sản xuất và lắp ráp phương tiện.
Đặc biệt, dự thảo mới đã bổ sung quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của ngành điện lực đối với các thiết bị điện từ sau công-tơ. Điều này sẽ đảm bảo an toàn điện trong sinh hoạt và sản xuất, khi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn.
Đồng tình với các quy định mới của dự thảo luật nhưng đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng bày tỏ quan điểm các quy định cần bám sát thực tế, tránh gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Dẫn ví dụ tại Điều 20 của dự thảo luật, quy định nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nguy hiểm về cháy nổ thì không được bố trí phòng ngủ trong khu vực kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc. Khu vực sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy với lối thoát nạn.
Ông Mai nhận định, quy định này cần được xem xét hoặc lộ trình rõ ràng, bởi nhiều hộ kinh doanh không thể bố trí phòng ngủ ngoài khu vực sản xuất. Việc này nếu áp dụng cứng nhắc sẽ gây khó khăn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong việc cân bằng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Luật sửa đổi được diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây, tình trạng cháy nổ trên toàn quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các đô thị lớn. Vụ cháy xảy ra tại phố Trung Kính vào ngày 24/5/2024 là một bài học đáng lưu ý trong công tác quản lý PCCC đối với các cơ sở nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập ở các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Có thể kể đoạn phố Hàng Hòm (phường Hàng Gai, Hà Nội) là nơi kinh doanh các mặt hàng keo, sơn, hóa chất…đều là những nguyên liệu có nguy cơ cháy cao, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến sự cố nghiêm trọng.
Nhiều hộ gia đình kết hợp kinh doanh tại đây đã chủ động trang bị thiết bị PCCC và tham gia tổ liên gia an toàn. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn ghi nhận một số hộ chưa ý thức đầy đủ trong việc trang bị và chuẩn bị phương án PCCC.
Cần công khai danh sách những cơ sở không đảm bảo PCCC
Theo đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) và một số đại biểu khác cũng đề xuất bổ sung thêm các quy định chặt chẽ về phòng cháy cho các khu chung cư cao tầng do mức độ nguy hiểm cao. Nhiều chung cư sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, hệ thống PCCC không còn đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn khi có hỏa hoạn xảy ra.
Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị cần tận dụng nguồn nước tại chỗ trong các tòa chung cư để phục vụ chữa cháy, bởi hiện nay nhiều nơi hệ thống PCCC chỉ đáp ứng được đến tầng thứ 17, trong khi không phải chung cư nào cũng có điều kiện lắp đặt thiết bị chữa cháy tiên tiến. Việc bổ sung quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc này sẽ là nền tảng quan trọng cho các chung cư cao tầng khi xây dựng mới hoặc sửa chữa.
Liên quan đến các sự cố điện, nhiều ý kiến đề nghị phải có thêm quy định chặt chẽ yêu cầu các cơ sở bố trí hệ thống điện đạt chuẩn an toàn và lắp đặt cảnh báo khi có sự cố. Những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện PCCC trước khi luật có hiệu lực sẽ được phân cấp cho các địa phương quản lý, rà soát và đưa ra giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn.
Đồng tình, đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân đề xuất bổ sung quy định kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần và công khai kết quả PCCC của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại chính cơ sở của họ. Đặc biệt, chính quyền địa phương nên công bố danh sách cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC và không có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn mới trước khi luật có hiệu lực.
Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cũng lưu ý thêm về vai trò của cơ quan công an trong thẩm định thiết kế xây dựng đối với công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế PCCC. Hiện tại, cơ quan công an chỉ tham gia thẩm định ở bước thiết kế chi tiết, sau khi hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh dự án nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn PCCC, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần bổ sung ý kiến thẩm định từ giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi để tránh rủi ro phải điều chỉnh sau này.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-quy-dinh-pccc-moi-co-the-lam-kho-loai-hinh-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-7694.html