Giải chạy Marathon bùng nổ gây xáo trộn cuộc sống người dân

Các giải chạy không chuyên đang trở thành trào lưu sôi động, thúc đẩy phong trào thể thao và du lịch. Tuy nhiên, mật độ tổ chức dày đặc và việc phong tỏa đường phố đã gây ra nhiều phiền toái, làm xáo trộn cuộc sống, công việc và sinh hoạt thường ngày của người dân.

Giải chạy không chuyên thành xu hướng mới

Những năm gần đây, cơn sốt marathon thúc đẩy thói quen vận động của người dân trên khắp cả nước, dẫn tới các giải chạy không chuyên dần trở thành một xu hướng. Nhiều tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, thậm chí cả cá nhân cũng tận dụng cơ hội tổ chức các giải chạy với nhiều mục đích khác nhau, từ gây quỹ từ thiện, quảng bá thương hiệu, cho đến tổ chức đơn thuần vì mục đích giải trí.

Như tại Hà Nội, cuối năm là "thời điểm vàng" để các đơn vị tổ chức giải chạy marathon vì tiết trời mát mẻ, thích hợp chạy bộ. Không thể phủ nhận lợi ích về sức khỏe và tinh thần mà chạy bộ mang lại. Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ phong trào là tình trạng thiếu kiểm soát chặt chẽ trong công tác tổ chức.

chay-bo-1730680241.jpg
Các giải chạy không chuyên dần trở thành một xu hướng mới

Nhiều giải chạy xuất hiện một cách tự phát, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và cơ sở hạ tầng địa phương. Tình trạng này không chỉ dẫn đến ùn tắc giao thông mà còn cản trở sinh hoạt thường ngày của người dân.

Một số người tham gia không chấp hành quy định, lấn làn... khiến tình hình giao thông trở nên hỗn loạn. Ngoài ra, tiếng hò reo và âm nhạc lớn tại các sự kiện chạy bộ cũng gây phiền toái cho cư dân sống gần khu vực diễn ra các giải chạy.

Với việc tổ chức ngày càng nhiều giải chạy và việc tham gia trở nên dễ dàng với đa dạng cự ly, nguồn thu từ phí tham dự đã trở thành một lợi ích hấp dẫn cho các đơn vị tổ chức, khiến cơn sốt marathon ngày càng nóng dần theo thời gian.

Hiện tại, dù chưa có thống kê chính xác về số lượng các giải chạy bộ tổ chức tại Việt Nam, nhưng theo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, năm 2023 đã có hơn 60 giải bán marathon, marathon và siêu marathon được tổ chức trên toàn quốc, với các cự ly từ 5km - 42km cho chạy đường bằng (road) và từ 15km - 100km cho chạy địa hình (trail). 3 tháng đầu năm 2024, ghi nhận hơn 20 giải chạy được tổ chức. Riêng tại TP. HCM, trung bình mỗi năm có từ 50 đến 60 giải đấu ở các cấp độ khác nhau.

Ảnh hưởng cuộc sống người dân địa phương

Mật độ dày đặc của các giải chạy từ tháng 9 - 12 gây ảnh hưởng đến giao thông. Các sự kiện lớn thường diễn ra ở những thành phố đông đúc, thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia, buộc các thành phố phải chặn đường để bảo vệ vận động viên.

Việc phong tỏa hàng loạt tuyến đường lớn trong nhiều giờ gây cản trở cho phương tiện giao thông. Như tại Hà Nội, vào sáng 13/10, một giải chạy đã khiến nhiều tuyến đường trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên bị phong tỏa, làm thay đổi lộ trình xe bus và gây khó khăn cho người dân khi liên tục phải quay xe, tìm đường đi khác. Có những tuyến đường bị cấm trong 4-5 giờ liên tiếp đến tận giờ cao điểm, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.

chay-bo-1-1730680241.jpg
Không chỉ gây ách tắc mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi vận động viên chạy len cùng với dòng xe cộ

Ngày 28/7, giao thông tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cũng bị xáo trộn, gây bức xúc cho tài xế và du khách vì công tác phân luồng giao thông chưa hợp lý tại giải “Quang Binh International Marathon 2024”. Ngày 13/4/2024, Giải chạy bộ đêm âm nhạc tại Cần Thơ với hơn 7.000 vận động viên đã khiến giao thông thêm phức tạp vào giờ cao điểm, gây mất an toàn và cản trở sinh hoạt của người dân.

Ngày 14/4, tại giải bán marathon Tây Hồ (Hà Nội), giao thông bị ảnh hưởng trên một số tuyến phố lớn như đường Thanh Niên. Một sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi một người đàn ông bị đột quỵ khi tham gia giải chạy này.

Sáng sớm ngày 3/11, như thường lệ, bà Đ. T. T (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dậy sớm đi chợ đầu mối để nhập thực phẩm cho quán ăn sáng của gia đình. Tuy nhiên, khi trở về từ chợ lúc 4h, bà buộc phải đứng chờ vì tuyến đường Thái Phiên - Phố Huế vì con đường bị phong tỏa hoàn toàn để phục vụ giải chạy.

Trước đó, bà đã cố gắng len lỏi qua nhiều ngõ nhỏ, nhưng khi đến ngã ba gần nhà, bà đành bất lực khi thấy đường bị chặn. Bà T. đứng đó hơn 20 phút, lo lắng và liên tục kiểm tra điện thoại. Bà T. chia sẻ, lúc đó bà sợ về muộn là không kịp chuẩn bị đồ bán, khách đến không có đồ ăn thì sẽ đi sang quán khác. Thịt, bún, lòng nhập về rồi không biết bán cho ai nữa.

Chị Vũ Thị Hương (quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị cần đi làm ca sớm tại một bệnh viện, nhưng do tuyến phố hàng ngày chị đi bị phong tỏa nên chị phải xin phép đi làm muộn. Chị Hương để xe máy ở nhà, chấp nhận đi bộ qua một số đoạn đường trước khi bắt xe ôm công nghệ. Dù vậy, xe ôm cũng phải mất thời gian vòng vèo mới đón được chị.

Sống ở một con phố gần hồ Thiền Quang, ông Vũ Tuấn Đ. (quận Hai Bà Trưng) cho biết, trong vòng 1 tháng qua, khu vực này đã tổ chức 2 giải chạy với hàng chục nghìn vận động viên đổ về các con phố xung quanh hồ, phá vỡ sự yên tĩnh vào giữa đêm khuya.

Ông Đ. bảo, con cái ông đi làm cả ngày, đêm về lại bị đánh thức bởi tiếng ồn ào. Niềm vui của người này đôi khi là nỗi khổ của người khác khi giấc ngủ bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Bình (56 tuổi) sống gần hồ Hoàn Kiếm thì đã quen với các giải chạy vào dịp cuối năm. Có những giải khởi hành từ hồ Hoàn Kiếm, trong khi có giải lại đưa các con phố quanh hồ vào lộ trình thi đấu. Bà Bình chia sẻ, các giải chạy diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn, ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực.

Dù yêu thích thể thao, anh Phạm Văn Tuấn (quận Long Biên) vẫn không ủng hộ việc tổ chức các giải chạy gây cản trở giao thông. Anh cho hay, có lần suýt trễ chuyến bay vì phố anh đi qua bị chặn để phục vụ giải chạy, dẫn đến tình trạng tắc đường kéo dài cả tiếng dù đó là ngày nghỉ.

Anh Trương Quang Trung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, các giải chạy đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân sinh sống trên các tuyến phố có xuất phát, về đích, hoặc nằm trên lộ trình chạy. Nhiều người bị ảnh hưởng về kinh tế, có thể bị muộn giờ làm việc hoặc chậm trễ trong việc mở cửa hàng kinh doanh.

Anh Trung cho rằng, các giải chạy phong trào, nếu được tổ chức và tham gia một cách khoa học, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, giúp lan tỏa tinh thần thể thao và thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, trước những phản ứng từ dư luận, anh cũng mong ban tổ chức lắng nghe, điều chỉnh hợp lý để tránh gây ra tác động tiêu cực và không làm giảm đi ý nghĩa tích cực của các sự kiện này.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giai-chay-marathon-bung-no-gay-xao-tron-cuoc-song-nguoi-dan-7731.html