Mối lo từ hàng triệu tấn chất thải pin mặt trời hết hạn sử dụng

Sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra mối lo về hàng triệu tấn chất thải từ các tấm pin hết hạn sử dụng trong tương lai khi chúng khi có thể gây ô nhiễm cho cả đất và nước. Hiện Chính phủ đang khẩn trương tìm kiếm giải pháp để đối phó với vấn đề này.

Gây ô nhiễm cho cả đất và nước

Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, nhờ các cơ chế khuyến khích từ Chính phủ, điện mặt trời đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi quy định mua điện mặt trời hết thời hạn mà chưa có chính sách thay thế, đã khiến các dự án bị chững lại.

Phải tới gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2024 cho phép các hộ gia đình và tổ chức lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ chính thức được phép bán lượng dư thừa lên lưới điện quốc gia từ ngày 22/10. Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy điện mặt trời áp mái tiếp tục phát triển.

pin-nang-luong-mat-troi-1730714035.jpg
Hơn chục năm nữa, lượng pin mặt trời hết hạn sử dụng tại nước ta được dự báo lên tới hàng triệu tấn

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng cao, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo mới là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đạt lo ngại về rác thải pin mặt trời khi hết hạn sử dụng.

Tuổi thọ của các dự án năng lượng tái tạo thường dao động từ 20 - 25 năm, do đó lượng chất thải phát sinh trong những năm qua rất ít. Tuy nhiên, sau hơn chục năm nữa, hàng triệu tấn rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng sẽ cần được xử lý. Tính chất nguy hiểm tiềm ẩn cũng như nguồn tài nguyên phong phú của loại chất thải này đòi hỏi phải có sự quản lý thích hợp từ góc độ chiến lược về tài nguyên và môi trường.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết, các tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu được cấu thành từ khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tuổi thọ trung bình của những tấm pin này tùy thuộc vào địa điểm và điều kiện môi trường nơi dự án được triển khai.

Theo một số nghiên cứu quốc tế, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường bao gồm việc chiếm diện tích đất, gây ô nhiễm nhiệt và ảnh hưởng đến thị giác của con người. Quá trình sản xuất các tấm pin này sử dụng một số kim loại nặng như cadmium (Cd) và silicon (Si), điều này có thể ảnh hưởng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt vì tuổi thọ của chúng tương đối ngắn với công nghệ hiện tại.

Nếu tấm pin năng lượng mặt trời không được xử lý đúng cách khi hết hạn, việc chôn lấp có thể gây ô nhiễm đất và nước do phát sinh kim loại nặng hoặc khí thải độc hại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong trường hợp xảy ra cháy. Tuy nhiên, tấm pin năng lượng mặt trời thực chất là sản phẩm có chức năng hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác với các loại pin và ắc quy khác, vốn có chức năng lưu trữ điện.

Còn Tiến sĩ Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Năng Lượng (Bộ Công Thương) cho hay, trong các tấm pin quang điện có chứa một số chất kim loại nặng, mặc dù chỉ chiếm từ 3 - 5%, nhưng không thể phân hủy. Khi những chất này thẩm thấu vào đất, chúng có thể gây ô nhiễm cho cả đất và nước.

Khoảng 80% vật liệu trong một tấm pin mặt trời có khả năng được tái chế và thu hồi. Tuy nhiên, thực tế chi phí tái chế hiện vẫn cao hơn so với lợi ích thu được từ việc tái chế các pin mặt trời đã hết hạn sử dụng. Do đó, phần lớn các tấm pin khi hết tuổi thọ sẽ bị loại bỏ, vì việc tái chế tốn kém hơn so với việc thay mới.

pin-nang-luong-mat-troi-1-1730714035.jpg
Một số kim loại nặng trong pin mặt trời khi thẩm thấu vào đất, có thể gây ô nhiễm cho cả đất và nước

Cần cơ chế xử lý thích hợp

Việc phát triển nhanh chóng các dự án điện mặt trời trong bối cảnh chưa có cơ chế xử lý thích hợp cho tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng đang tiềm ẩn nguy cơ lớn cho môi trường. Do đó, trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nguyên tắc bảo vệ môi trường trong phát triển điện năng lượng tái tạo. Điều này nhằm tạo ra khung pháp lý cho các bộ, ngành quy định cụ thể về quản lý và xử lý tấm pin năng lượng mặt trời.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương giải trình, dự thảo đã đề cập đến các quy định khung liên quan đến bảo vệ môi trường trong phát triển điện năng lượng tái tạo. Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã có các quy định áp dụng chung cho mọi lĩnh vực, trong đó các hoạt động bảo vệ môi trường cần tuân theo các quy định và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước.

Tại báo cáo về việc thực hiện chính sách phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, Chính phủ cũng đã cập nhật thông tin liên quan đến xử lý rác thải từ pin mặt trời. Dù số lượng rác thải từ tấm pin mặt trời hiện chưa nhiều, Chính phủ vẫn nhấn mạnh vấn đề này cần được chú ý. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển năng lượng tái tạo và chưa có dự án điện mặt trời hay điện gió nào ở giai đoạn tháo dỡ.

Chính phủ cũng tính đến việc nghiên cứu các công nghệ và giải pháp thu hồi, xử lý, tái chế tấm pin mặt trời hỏng trong tương lai, nhằm chuẩn bị cho sự gia tăng chất thải từ pin mặt trời vào cuối kỳ quy hoạch. "Vào thời điểm đó, có thể sẽ thực hiện thí điểm các phương pháp xử lý," Chính phủ cho biết.

Khoản 3 Điều 56 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP khẳng định, việc quản lý và xử lý tấm pin quang năng thải bỏ sẽ ưu tiên từ tái sử dụng, bảo dưỡng, tận dụng linh kiện, tái chế, và cuối cùng mới đến chôn lấp theo quy định pháp luật.

Nhiều chuyên gia môi trường đánh giá, để xử lý hiệu quả các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng trong tương lai, cần tiến hành nghiên cứu và thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm quản lý tốt chất thải phát sinh từ các cơ sở năng lượng tái tạo. Với khung pháp lý hiện tại, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các chính sách hợp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết và tạo ra các cơ chế tài chính mạnh mẽ để xử lý an toàn và hiệu quả các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng, cả về mặt kinh tế lẫn môi trường.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/moi-lo-tu-hang-trieu-tan-chat-thai-pin-mat-troi-het-han-su-dung-7747.html