Người lớn cũng nguy kịch khi mắc sởi
Ngày 5/11, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nơi đây đã tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.T (56 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau, chuyển biến suy hô hấp cấp do mắc sởi - căn bệnh vốn thường chỉ xảy ra ở trẻ em.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện 10 ngày, ông T. có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi và sung huyết ở kết mạc mắt. Ông tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau tại hiệu thuốc gần nhà để dùng nhưng không thấy thuyên giảm. Sau 6 ngày tự dùng thuốc, ông vẫn bị đau đầu, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, khó thở, mắt bị sung huyết nặng hơn, kèm xuất hiện ban đỏ từ đầu và mặt lan xuống cổ, ngực.
Ông T. đã đến khám tại một cơ sở y tế tuyến dưới và được chuyển lên khoa nhiễm khuẩn tổng hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Khi nhập viện, ông vẫn sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều và nhiễm trùng nặng hơn. Sau một ngày, tình trạng của ông trở nặng với dấu hiệu suy hô hấp cấp.
Bệnh nhân được chuyển đến khoa hồi sức tích cực để hỗ trợ thở oxy lưu lượng cao và chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp cấp ở người lớn. Các triệu chứng của bệnh sởi được xác định rõ, xét nghiệm cho kết quả dương tính với sởi. Bệnh nhân còn gặp biến chứng viêm phổi do vi rút sởi, kèm theo tiêu chảy và dấu hiệu nhiễm trùng ngày càng nghiêm trọng.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, giảm sốt, tiêu chảy giảm nhiều, suy hô hấp được cải thiện rõ, các chỉ số sức khỏe đã ổn định, ban sởi xuất hiện toàn thân.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do vi rút sởi lây qua đường hô hấp. Sởi có các triệu chứng điển hình như sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, và tiêu hóa. Sởi có thể gây biến chứng nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong như viêm phổi và viêm não.
Theo các bác sĩ, bệnh sởi ở người lớn hiếm khi xảy ra. Nếu có thì thường thường nằm trong nhóm có nguy cơ cao như người chưa từng tiêm vắc xin phòng sởi, người có bệnh nền, bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị bằng hóa chất, ung thư... Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh các biến chứng không mong muốn.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, hiện nay trên thế giới có nhiều loại vắc xin sởi được sản xuất dưới dạng vắc xin đơn lẻ hoặc vắc xin kết hợp (như sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella). Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi rút sởi. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh sởi, người dân nên tiêm phòng vắc xin sởi.
Bổ sung 2 nhóm đối tượng tiêm chủng
Tại nhiều tỉnh trên cả nước, số ca mắc sởi đang có dấu hiệu gia tăng. Như thông báo của Sở Y tế TP. HCM vào ngày 5/11, các bệnh viện tại thành phố tiếp nhận 298 ca sởi từ các tỉnh khác, tăng 41% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 236 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm, số ca mắc sởi từ các tỉnh khác tích lũy đạt 2.165 ca, bao gồm 1.878 ca nội trú và đã có 1 trường hợp tử vong.
Riêng TP. HCM, sau khi giảm, dịch sởi lại đang có chiều hướng phức tạp. Trong tuần 44 (từ 28/10 - 3/11), thành phố ghi nhận 141 ca mắc sởi, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Trong số đó, có 82 ca điều trị nội trú (giảm 7,3%) và 59 ca điều trị ngoại trú (tăng 90%). Tính từ đầu năm, TP. HCM có 1.448 ca mắc sởi, gồm 1.124 ca điều trị nội trú và 324 ca ngoại trú, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, số ca bệnh mới đang tăng ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, độ tuổi chưa đủ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Số bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi là 349 trẻ, chiếm 24% tổng ca mắc, chủ yếu từ 6 - 9 tháng tuổi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cũng ghi nhận số ca mắc sởi mới gia tăng ở trẻ từ 11 tuổi trở lên (282 trẻ, chiếm 20% tổng ca mắc). Số ca ở nhóm từ 1-5 tuổi vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Trước tình hình số ca sởi tăng cao, UBND TP. HCM quyết định mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng dịch. Cụ thể, thành phố sẽ bổ sung 2 nhóm tiêm chủng vaccine sởi. Thứ nhất, người trong lớp học có ca mắc sởi tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thứ hai, người chăm sóc người suy giảm miễn dịch tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM.
Đối với trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, Sở đã kiến nghị Bộ Y tế về việc tiêm vaccine sởi cho độ tuổi này. Thành phố sẽ triển khai tiêm ngay khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế. Đồng thời, thành phố vẫn tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-lon-nguy-kich-vi-benh-soi-co-quan-y-te-ra-khuyen-cao-7776.html