Yêu cầu 40% học sinh tốt nghiệp THCS phải học nghề: Nên thay đổi tư duy thay vì "áp" tỷ lệ

Hiện nay, nhiều địa phương yêu cầu khoảng 40% học sinh tốt nghiệp THCS phải học nghề, điều này tạo áp lực lớn cho học sinh trong kỳ thi vào lớp 10. Nhất là khi hiện này vẫn còn nhiều người cho rằng chỉ những học sinh không học tốt mới đi học nghề

Phân luồng học nghề tạo áp lực cho học sinh

Trong phiên thảo luận sáng ngày 4/11, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã tham luận về công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh theo quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, nhiều địa phương yêu cầu khoảng 40% học sinh tốt nghiệp THCS phải học nghề, điều này dẫn đến việc hạn chế số lượng trường công lập ở bậc THPT và tạo áp lực lớn cho học sinh trong kỳ thi vào lớp 10.

phan-luong-1730880673.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh phân tích, mỗi năm có khoảng trên 15% học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học, trực tiếp tham gia lao động mà không có công việc ổn định. Chất lượng đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS vẫn còn thấp, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề không cao.

Trong khi đó, chỉ tiêu phân luồng là 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề, nhưng mục tiêu này không đạt được, bởi phần lớn học sinh vẫn ưu tiên theo học đại học và ít quan tâm đến việc học nghề.

Để giải quyết thực trạng này, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho thanh niên, cần phải đẩy mạnh đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh nhấn mạnh, việc tham gia đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, hoàn thiện tư duy và nhận thức. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn cải thiện năng suất lao động.

Đồng thời, ông cũng kiến nghị giảm tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề, thay vì mục tiêu 40% như hiện nay. Điều này sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh được học tập trong môi trường giáo dục đầy đủ, giúp các em phát triển tư duy và thể chất, từ đó giảm áp lực xã hội và hạn chế tệ nạn do học sinh không được giáo dục đúng đắn.

Thay đổi suy nghĩ học nghề cho học sinh kém

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội từ lâu đã gây áp lực không nhỏ cho học sinh và nhà trường, khi chỉ khoảng 60% học sinh có thể đỗ vào các trường THPT công lập. Thực tế, tỷ lệ này ở các trường nội đô thường thấp hơn, khiến phần còn lại của học sinh phải lựa chọn các hướng đi khác như học nghề, học trường tư thục hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp.

phan-luong-1-1730880673.png
Cần thay đổi quan niệm chỉ những học sinh không học tốt mới đi học nghề

Theo nhận định của hiệu trưởng, tỷ lệ học sinh chọn học nghề đã có sự cải thiện nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức 10 - 17%, còn đa số học sinh vẫn tiếp tục theo học THPT. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thêm các trường công lập ở bậc THPT là cần thiết để giảm bớt áp lực thi cử và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết 06 của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 là 30% lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo nghề. Tuy nhiên, ông nhận định rằng giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả, phần lớn vì cách triển khai phân luồng học sinh trong các trường hiện nay vẫn mang tính chất áp đặt, cứng nhắc, với quan niệm rằng chỉ những học sinh không học tốt mới đi học nghề.

Hàng năm, vẫn có trường hợp giáo viên, nhà trường ở bậc THCS tư vấn cho học sinh "cấm" thi vào lớp 10 do năng lực học yếu. Nhiều người còn ví von kỳ thi này khó khăn hơn cả thi đại học.

Ông Ngọc cho rằng, việc coi học nghề như một con đường "cuối cùng" khi học sinh không thể thi vào THPT là một cách làm sai lầm và thiếu khoa học. Công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay chủ yếu không dựa vào năng lực và sở thích của học sinh, khiến nhiều em cảm thấy học nghề là lựa chọn không mong muốn.

Theo ông, điều quan trọng không phải là điều chỉnh tỷ lệ học sinh vào trường nghề, mà là tuyên truyền để học sinh và phụ huynh hiểu và lựa chọn con đường phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh của bản thân. Do đó, công tác truyền thông cần thay đổi nhận thức về học nghề, để học sinh không cảm thấy bị ép buộc phải vào nghề khi không thể tiếp tục học THPT. Học nghề không phải là con đường cho những học sinh yếu kém, mà là cơ hội để các em vừa học nghề, vừa học văn hóa và có cơ hội việc làm với thu nhập ổn định.

Ngoài ra, một số trường nghề chỉ tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT vì các em đủ tuổi, có nhận thức để lựa chọn ngành nghề học phù hợp, thuận lợi cho việc thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS đã được các địa phương sử dụng để xây dựng hệ thống trường công lập. Tuy nhiên, nhu cầu học THPT của học sinh hiện nay vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống trường lớp, dẫn đến nhiều căng thẳng trong quá trình tuyển sinh. Vì vậy, việc đánh giá lại tính hợp lý của công tác phân luồng và hướng nghiệp là cần thiết.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giam-ty-le-phan-luong-dao-tao-nghe-de-hoc-sinh-co-nhieu-co-hoi-hon-7789.html