Lao động tự do sẽ bớt thiệt thòi khi chế độ bảo hiểm tai nạn “bao phủ”

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện mới được triển khai sẽ giúp người lao động tự do giảm bớt thiệt thòi, bảo vệ quyền lợi khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động chưa được bao phủ bởi các loại bảo hiểm bắt buộc.

Thiệt thòi vì không được tham gia bảo hiểm

Vất vả, nhọc nhằn thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập từ nghề và khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động, lao động tự do chỉ biết “bấm bụng” chịu thiệt. Năm năm qua, ước tính bình quân mỗi năm có trên 1.400 lao động tự do tử vong do tai nạn lao động, cao gấp gần 2 lần khu vực lao động có hợp đồng. Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cung cấp bảo hiểm tai nạn lao động, song vẫn hạn chế trong bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân.

Như trường hợp của anh Trần Quang Vinh (phường 8, TP. Bạc Liêu), trong một lần chạy xe ba gác chở tôn cho khách, xe bị mất lái khiến miếng tôn đâm làm đứt một phần lưng đến tủy sống của Vinh. Đến nay, vết thương tuy đã được chữa lành nhưng di chứng là Vinh phải ngồi xe lăn suốt đời. Là lao động tự do nên Vinh không nhận được bất cứ bảo hiểm tai nạn lao động nào dù tỷ lệ thương tật cao.

lao-dong-tu-do-1-1730967305.jpg
Lao động tự do phải đối mặt mới nhiều nguy cơ bị tai nạn lao động

Ông Đỗ Văn Lộc (63 tuổi, đoàn viên Nghiệp đoàn đóng hàng chợ Tân Bình TP. HCM) có hơn 30 năm làm công việc tự do. Ông Lộc cho biết, ông bắt đầu từ chạy xe xích lô rồi chuyển sang nghề đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Dù công việc vất vả và nguy hiểm, ông không thuộc đối tượng tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc như BHXH, BHYT, BHTN hay bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Lộc bảo, là lao động tự do, ông làm ngày nào hưởng lương ngày đó. Nếu không may bị ốm đau hay gặp tai nạn, ông không chỉ mất thu nhập trong ngày làm việc đó mà còn phải lo lắng cho các khoản chi phí thuốc men, điều trị. Để phòng ngừa rủi ro sức khỏe, nhiều năm qua, ông đã tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nhưng loại bảo hiểm này chỉ giải quyết được một phần chi phí điều trị khi phải nằm viện. Do đó, ông mong có thêm một khoản bảo hiểm để bù đắp thu nhập cho những ngày ốm đau, tai nạn thì sẽ đỡ vất vả hơn.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Triệu - đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân (TP. HCM) cũng cho hay, hiện nay có nhiều người lựa chọn công việc chạy xe công nghệ làm nghề chính và gắn bó lâu dài. Tài xế xe công nghệ phải làm việc trong môi trường nắng nóng, vất vả và đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro như tai nạn giao thông, cướp giật...

Tuy nhiên, vì chưa được công nhận là "người lao động" chính thức giống như các lao động tự do khác, họ không được tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc, điều này khiến họ gặp nhiều thiệt thòi, đặc biệt khi gặp sự cố về sức khỏe hay tai nạn. Ông Triệu mong muốn các tài xế xe công nghệ cũng được tham gia bảo hiểm và hưởng các quyền lợi bảo hiểm như BHYT và bảo hiểm tai nạn lao động, giúp họ yên tâm làm việc.

Hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

Nhằm tạo thuận lợi hơn cho lao động tự do, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện dành cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Nghị định 143/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là lao động từ 15 tuổi trở lên, làm việc không theo hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhưng có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.

lao-dong-tu-do-1730967305.jpg
Lao động tự do chịu thiệt thòi khi không được đóng bảo hiểm tai nạn lao động

Nghị định quy định hai chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tai nạn lao động. Cụ thể, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm này.

Tuy nhiên, người lao động sẽ không được hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động nếu tai nạn xảy ra do các nguyên nhân như: Mâu thuẫn giữa nạn nhân và người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc; người lao động cố ý tự làm hại sức khỏe của bản thân; hoặc sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

Mức trợ cấp tai nạn lao động sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, từ 5% đến 100%. Cụ thể, nếu người lao động suy giảm 5% khả năng lao động, họ sẽ được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng IV do Chính phủ quy định. Mỗi lần suy giảm thêm 1% khả năng lao động, mức trợ cấp sẽ được cộng thêm 0,3 lần mức lương tối thiểu vùng IV.

Bên cạnh đó, người lao động còn được hưởng trợ cấp bổ sung dựa trên số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Nếu thời gian tham gia bảo hiểm từ 1 năm trở xuống, mức trợ cấp được tính bằng 0,5 lần mức lương tối thiểu vùng IV. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm đóng thêm vào quỹ sẽ được tính thêm 0,3 lần mức lương tối thiểu vùng IV.

Thời gian để tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian mà người lao động đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng xảy ra tai nạn lao động. Nếu thời gian đóng bảo hiểm không liên tục, các khoảng thời gian này sẽ được cộng dồn. Một năm đóng bảo hiểm được tính khi có đủ 12 tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Trường hợp người lao động bị chết khi đang làm việc; chết trong quá trình điều trị lần đầu do tai nạn lao động; chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động thì thân nhân của họ sẽ nhận trợ cấp bằng 31,5 lần mức lương tối thiểu vùng IV.

Bà Chu Thị Hạnh - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ, lao động tự do nếu được tham gia các lại bảo hiểm tai nạn lao động, sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội rất nhiều.

Thậm chí, một số nước trên thế giới quy định người động tự do được nhận bảo hiểm tai nạn lao động dù họ không phải đóng phí bảo hiểm tai nạn lao động như Đức, Trung Quốc hoặc người lao động có thể tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo gói bắt buộc hoặc tự nguyện như Hàn Quốc.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lao-dong-tu-do-se-bot-thiet-thoi-khi-che-do-bao-hiem-tai-nan-bao-phu-7810.html