Người dân bị ảnh hưởng do sụt lún
Cách trung tâm TP. HCM khoảng 5km, bán đảo Thanh Đa rộng 635ha (phường 25, quận Bình Thạnh) được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Thời gian qua, người dân sống tại khu vực này luôn sống trong lo âu, khi bờ kênh bị sạt lở nghiêm trọng.
Bờ kè bị xói mòn khiến cây cối và nhiều ngôi nhà của người dân bị đổ sập, nghiêng hẳn về phía sông. Một số hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn, trong khi những hộ còn lại đang phải sống trong nỗi lo âu, vì tình trạng sụt lún vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dọc theo tuyến bờ kênh còn có các vết nứt trên nền đất kéo dài.
Dù sống trong lo âu nhưng gia đình 3 thế hệ của bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh (68 tuổi) vẫn cố gắng bám trụ tại căn nhà ở khu vực sạt lở. Một phần vì bà phải chăm sóc cháu nhỏ, phần còn lại là vì ngôi nhà của bà có hai phần riêng biệt. Khu vực bị ảnh hưởng chỉ có một phần làm bằng gỗ, trong khi phần nhà còn lại chưa bị tác động bởi tình trạng sụt lún.
Tại các hẻm 67 và 89 đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM), tình trạng nứt nền móng của các tòa nhà cũng đang diễn ra. Các vết nứt trên nền móng có chiều dài khoảng 10 - 20cm. Bà Nguyễn Thị Lý (người dân ở hẻm 67) cho biết, tình trạng sụt lún tại đây đã kéo dài khoảng 4-5 năm. Mỗi năm, nền móng của nhiều ngôi nhà lại tiếp tục bị nứt rộng hơn, khiến người dân rất lo lắng về sự an toàn của chính ngôi nhà mình.
Không chỉ dừng lại ở các khu dân cư, tình trạng sụt lún nền móng cũng đang xảy ra tại một số công trình trường học, khu chung cư ở phường An Khánh (TP. Thủ Đức) và nhiều khu vực khác trên địa bàn TP.HCM, tạo nên một mối lo ngại ngày càng lớn đối với sự ổn định của các công trình và cuộc sống của người dân tại thành phố.
Theo nhiều chuyên gia, TP. HCM đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là nguy cơ sụt lún nền đất. Tình trạng này đã được nghiên cứu và chỉ ra từ nhiều năm nay, đặc biệt trong bối cảnh sự thay đổi chóng mặt của môi trường đô thị và biến đổi khí hậu.
Trong hội thảo về thực trạng vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế bền vững mới đây, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, thành phố đứng thứ hai trong số 10 đô thị ven biển trên thế giới về tốc độ "chìm dần" do lún nền đất.
Khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho biết tình trạng sụt lún tại TP. HCM đã xảy ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy lên tới khoảng 100cm. Tốc độ lún hiện tại dao động từ 2 - 5 cm mỗi năm, trong khi những khu vực có nhiều công trình thương mại có tốc độ lún cao hơn, khoảng 7 - 8 cm mỗi năm. Tốc độ này cao gấp 2 lần so với tốc độ dâng mực nước biển (khoảng 1cm mỗi năm).
PGS.TS Huỳnh Quyền cảnh báo, tình trạng sụt lún đất kết hợp với triều cường và mực nước biển dâng sẽ làm gia tăng nguy cơ TP. HCM ngày càng "chìm dần", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
4 nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sụt lún là vấn đề được lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thành phố đang chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu.
Để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả, bà Mỹ nhấn mạnh cần phải thu thập các ý kiến đa chiều, dữ liệu đầy đủ và có các dự báo chính xác về khu vực sụt lún, từ đó cung cấp thông tin kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng, giúp giảm thiểu các rủi ro.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún ở TP. HCM gồm: Nền địa chất yếu, mật độ xây dựng cao, hoạt động giao thông và khai thác nước ngầm quá mức.
PGS-TS Lê Trung Chơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (thuộc Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), cho biết các khu dân cư cao tầng dọc theo đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) không gây sụt lún trực tiếp cho chính khu vực này, nhưng lại tác động tiêu cực đến các khu vực xung quanh.
Nguyên nhân là do công trình được xây dựng trên kết cấu cứng, làm khu vực xây dựng bị bê tông hóa, khiến nước không thể thấm xuống đất, tạo ra áp lực nước trong lỗ rỗng. Hiện tượng này kết hợp với nước mưa chảy tràn ra các khu vực xung quanh đã góp phần làm tăng tình trạng sụt lún nền đất.
PGS-TS Lê Trung Chơn nhấn mạnh để phát triển bền vững, cần có sự công bằng trong việc phát triển hạ tầng. Như khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng lên để giải quyết ngập cho 2 khu dân cư xung quanh, vậy còn các tuyến đường lân cận thì sao? Ông cho rằng, các dự án cao tầng cần được đánh giá kỹ lưỡng để giảm thiểu tác động đến các khu vực xung quanh và đối tượng yếu thế.
Về vấn đề giao thông, các chuyên gia nhận định, hoạt động giao thông không phải là nguyên nhân chính gây sụt lún, ngoại trừ khu vực đường Nguyễn Văn Linh, nơi có nhiều xe container qua lại. Tuy nhiên, trong tương lai, khi các tuyến metro đi vào hoạt động, rung chấn từ các đoàn tàu có thể tác động lên nền đất, gây ra sụt lún giống như tình trạng ở TP. Bắc Kinh (Trung Quốc) hiện nay.
Trước những thách thức liên quan đến sụt lún và ngập lụt đô thị, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện Kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM khuyến nghị, thành phố cần gia tăng hạ tầng xanh và không gian chứa nước để thích ứng với biến đổi khí hậu, thay vì chỉ tập trung vào hệ thống thoát nước chống ngập. Việc thiết kế hệ thống thoát nước hiện tại dựa trên dữ liệu lượng mưa, triều cường và sụt lún theo quy chuẩn hiện nay khó có thể đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của môi trường.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất bổ sung mảng xanh trong các phân khu chức năng và kết nối các công viên thành một hệ thống có chức năng chống ngập. Ông cũng cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm đầu tư mảng xanh trong các dự án bất động sản và nhà ở thương mại, trong khi nhà nước sẽ đảm nhận việc chỉnh trang đô thị và cải tạo các kênh rạch.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-toc-do-sut-lun-2-5cm-moi-nam-lam-anh-huong-nghiem-trong-den-cuoc-song-cua-nguoi-dan-7842.html