Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III, thị trường bất động sản tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Từ đầu năm 2023 đến hết quý III, đã có 5.565 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khôi phục hoạt động, với nhiều văn phòng môi giới được mở mới hoặc mở cửa lại tại các khu vực có nguồn cung lớn.
Lượng môi giới quay trở lại thị trường có sự phân hóa
Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường bất động sản quý III/2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục. Niềm tin của thị trường tiếp tục cải thiện, thể hiện qua sự gia tăng liên tục của số lượt tìm kiếm, tìm hiểu thông tin dự án và tham quan nhà mẫu.
Ngoài ra, các yếu tố khách quan như bão lũ, thiên tai hay tháng Ngâu có ảnh hưởng đến hành vi khách hàng trong ngắn hạn, nhưng không làm giảm niềm tin của các bên tham gia thị trường. Đáng chú ý, các chủ đầu tư đang tích cực khởi động dự án mới, mang lại nhiều cơ hội cho các đơn vị môi giới. Các dự án cũng ngày càng đa dạng về loại hình và địa bàn, xu hướng mở rộng về phía Nam và phía Bắc diễn ra ngày càng rõ rệt.
VARS ước tính khoảng 70% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới và 70% lực lượng môi giới đã quay lại hoạt động. Số liệu này được tính toán dựa trên sự biến động của lực lượng môi giới qua các quý, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, với giả định lượng môi giới bất động sản ở quý IV/2022 là 100%.
Theo tính toán, số lượng môi giới trên thị trường hiện tại đã gần trở lại mức tương đương với thời kỳ thị trường sôi động. Đáng chú ý, khác với các giai đoạn phát triển "nóng" trước đây, hiện tại các chủ đầu tư và đơn vị môi giới không mở rộng tràn lan mà tập trung vào những sản phẩm và thị trường phù hợp với thế mạnh riêng của mình.
Nêu quan điểm về sự trở lại thị trường của lực lượng môi giới, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes nhìn nhận, đây là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy thị trường đang dần hồi phục, bởi môi giới đóng vai trò trung gian, cung cấp thông tin tư vấn cho khách hàng và nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ.
Khi thiếu lực lượng môi giới, thị trường trầm lắng và thanh khoản kém; ngược lại, khi môi giới quay lại, thị trường lập tức có những tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét chi tiết theo từng khu vực.
Cũng theo ông Chung, cần làm rõ con số 70% môi giới trên toàn quốc đã quay lại bởi sẽ gây hiểu lầm thị trường bất động sản Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn. Thực tế, mới chỉ ghi nhận riêng tại thị trường Hà Nội, lực lượng môi giới trở lại làm việc đạt khoảng 60-70%, trong khi ở các vùng ven Hà Nội, con số này chỉ khoảng 50%. Tại các khu vực khác, tỷ lệ môi giới quay lại còn thấp, chỉ khoảng 30%.
Vẫn còn bất cập trong áp dụng chứng chỉ hành nghề môi giới
Trong quý IV/2024, VARS dự báo các chủ đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh sẽ "tăng tốc," khả năng cao mang đến nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cũng lưu ý lực lượng môi giới hiện nay đã có nhiều thay đổi.
Phân tích rõ hơn, ông Đính cho biết, sau những lần rời bỏ thị trường trước đây, các môi giới mới và những người quay lại đã trải qua cuộc "cách mạng" về tư duy, cẩn trọng hơn trong công việc. Họ đã chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và chọn lựa kỹ càng sàn giao dịch để đầu quân.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực (1/8) đã quy định 100% môi giới phải có chứng chỉ hành nghề giúp “chuẩn hóa”, “chuyên nghiệp hóa” nghề môi giới bất động sản nhưng cũng khiến các chủ thể liên quan phải loay hoay.
Bởi nếu như trước đây, các Sở Xây dựng địa phương có thể cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, chỉ UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương mới có thẩm quyền cấp chứng chỉ này.
Trên thực tế, kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, hầu như chưa có tỉnh nào tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là con số rất ít so với số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường.
Ông Lê Đình Chung cho rằng trong thời gian ngắn, yêu cầu tất cả môi giới bất động sản đều phải có chứng chỉ là khó khả thi. Việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới hiện vẫn gặp nhiều bất cập, từ chất lượng đào tạo đến khâu tổ chức thi cử. Nhiều khóa học đã được tổ chức dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng chương trình không đồng đều.
Vì vậy, ông Chung đề xuất, quy định yêu cầu chứng chỉ hành nghề cho môi giới nên có thời gian chuyển tiếp hợp lý, giúp môi giới có đủ thời gian học tập, trang bị kiến thức và cho các trung tâm đào tạo chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường.
Nếu áp dụng ngay yêu cầu bắt buộc có chứng chỉ mới được hành nghề hoặc nhận hoa hồng, điều này có thể gây trở ngại lớn cho môi giới và cản trở sự hồi phục vừa mới bắt đầu của thị trường bất động sản.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ket-luan-70-moi-gioi-tren-toan-quoc-quay-tro-lai-thi-truong-de-gay-hieu-lam-7851.html