Lừa đảo thực phẩm chức năng tới vùng sâu, vùng xa
Theo thống kê từ Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe với mục đích phòng bệnh đang gia tăng nhanh chóng, hiện đã chiếm khoảng 80% dân số. Tổng quy mô ngành thực phẩm chức năng tại Việt Nam (không bao gồm hàng xách tay) ước tính đạt khoảng 13 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Hiện nay, vấn đề thực phẩm chức năng không chỉ được người dân quan tâm, mà còn “nóng” trong nghị trường Quốc hội. Trong buổi chất vấn sáng 12/11, ông Lưu Văn Đức - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc cho biết, tình trạng chào bán mỹ phẩm và thực phẩm chức năng xách tay tràn lan trên thị trường, thậm chí đã xuất hiện tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa.
Điều này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm mất trật tự, an ninh xã hội. Ông đã yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thực phẩm và mỹ phẩm xách tay hiện được quản lý theo cơ chế hậu kiểm, nghĩa là các sản phẩm phải được công bố và kiểm tra sau khi lưu hành trên thị trường. Tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm vào thị trường phải đăng ký kinh doanh và công bố sản phẩm với Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm minh với các tổ chức, cá nhân vi phạm, căn cứ vào quy định của pháp luật về thương mại, bảo vệ người tiêu dùng và các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Bà Đào Hồng Lan thừa nhận vẫn còn tình trạng lách luật, như bán hàng giả qua website, sàn thương mại điện tử, hay tổ chức các hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, theo hướng siết chặt điều kiện kinh doanh và tăng mức xử phạt đối với các vi phạm.
Cán bộ y tế không được quảng cáo thực phẩm chức năng
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn chiều 11/11, đại biểu Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải đã nêu câu hỏi về việc nhiều bác sĩ mặc áo blouse trắng quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng, đồng thời yêu cầu làm rõ liệu hành động này có vi phạm quy định pháp luật hay không.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc sử dụng hình ảnh của y bác sĩ trong quảng cáo là hoàn toàn bị cấm. Điều 197 Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. "Chúng tôi khẳng định sử dụng hình ảnh trên là sai quy định. Bộ có văn bản gửi cơ sở y tế nhắc nhở, đề nghị đội ngũ y bác sĩ không tham gia những việc làm sai quy định, nhằm bảo vệ uy tín và tính nghiêm túc của ngành y tế", Bộ trưởng Lan nói. Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Quảng cáo đang sửa quy định rõ, không được sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng.
Cũng liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định thực tế có một số cá nhân lợi dụng việc buôn bán và thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, nhấn mạnh người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị thay vì tin vào các quảng cáo sai lệch trên mạng xã hội để tự chữa bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi sử dụng thực phẩm chức năng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, kiểm tra liều dùng và chỉ chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà sản xuất uy tín. Người dân cần nhận diện các dấu hiệu vi phạm liên quan đến quảng cáo, nhất là những quảng cáo khẳng định uống thực phẩm chức năng có thể chữa khỏi bệnh, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Y tế cũng đã công khai thông tin về các vi phạm và gửi cảnh báo đến các cơ quan báo chí để thông báo rộng rãi đến công chúng.
Với các sản phẩm lách luật, bán qua website, sàn thương mại điện tử hoặc tổ chức hội thảo lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định về điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt và đẩy mạnh công tác quản lý của thị trường và các cơ quan liên quan.
Bộ trưởng cũng thừa nhận việc kiểm soát các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc vẫn được bán tại các cửa hàng và trên các nền tảng mạng xã hội. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thành lập các đội phản ứng nhanh để xử lý vi phạm khi phát hiện. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là khó kiểm soát việc mua bán trên các mạng xã hội, vì các máy chủ của các nền tảng này đều nằm ở nước ngoài, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế có trang web của Cục An toàn thực phẩm để công khai danh sách các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng hợp pháp, giúp người tiêu dùng tra cứu các sản phẩm đáng tin cậy. Với người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo và công văn đến các cơ quan quản lý. Khi các bộ, ngành nhận được văn bản đã có những hành động xử lý như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quy tắc ứng xử khi tham gia quảng cáo của các nghệ sĩ đúng quy định.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/can-bo-y-te-khong-duoc-tham-gia-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-7899.html