Người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút/ngày

Các nhà sản xuất trò chơi phải đảm bảo, người dưới 18 tuổi chỉ được chơi một trò chơi không quá 60 phút mỗi ngày. Nếu chơi nhiều trò chơi trong một ngày, tổng thời gian chơi không được vượt quá 180 phút.

Giới hạn thời gian chơi game

Sau đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng điện thoại di động cùng các thiết bị khác để chơi game và tham gia các nền tảng mạng xã hội, gây ra nhiều hệ quả đáng lo ngại.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, không thể phủ nhận sự hấp dẫn và sinh động của các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, việc chơi game quá mức có thể dẫn đến nghiện, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với sức khỏe, như mệt mỏi, căng thẳng, cận thị, các bệnh về cột sống, béo phì do thiếu vận động, và phản ứng chậm chạp.

Hơn nữa, trẻ em dễ thiếu tập trung vào học tập, trở nên lầm lì, ít giao tiếp, thậm chí có thể rơi vào trầm cảm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nghiện game có thể khiến trẻ mất dần khả năng nhận thức thực tế, thay đổi tính cách, và dẫn đến những hành vi không phù hợp như nói dối, ăn trộm hoặc tham gia vào các cuộc ẩu đả.

choi-game-1731409983.png
Trẻ em được sử dụng điện thoại nhiều hơn từ sau đại dịch Covid-19

Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết cần siết chặt quản lý thời gian chơi game của trẻ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/NĐ-CP/2024 với nhiều quy định mới về quản lý trò chơi điện tử. Một trong những điểm đáng chú ý là quy định thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi.

Cụ thể, các nhà sản xuất trò chơi phải đảm bảo, người dưới 18 tuổi chỉ được chơi một trò chơi không quá 60 phút mỗi ngày. Nếu chơi nhiều trò chơi trong một ngày, tổng thời gian chơi không được vượt quá 180 phút.

Các đơn vị phát hành game phải hiển thị khuyến cáo rõ ràng: "Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe". Thông tin này phải được đặt ở vị trí dễ nhận biết trên diễn đàn trò chơi và hiển thị trên màn hình thiết bị với tần suất ít nhất 30 lần trong suốt quá trình chơi.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP được ban hành nhằm thay thế Nghị định 72/2013 và 27/2018 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Nghị định mới bổ sung các điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng đủ 11 điều kiện, bao gồm các yếu tố về kỹ thuật, tài chính, nhân sự và kết nối.

Trước đây, Nghị định 27/2018 chỉ giới hạn thời gian chơi game trong 180 phút đối với trò chơi phân loại G1 (trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp). Nghị định mới mở rộng quy định này, áp dụng cho tất cả các loại trò chơi G1, G2, G3, G4 (game online, offline, có tương tác giữa người chơi với nhau hoặc giữa người chơi với máy).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành trò chơi cũng phải đảm bảo hệ thống kỹ thuật để lưu trữ và cập nhật thông tin người chơi tại Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động, và bắt buộc xác thực tài khoản người chơi qua số điện thoại di động. Đối với người chơi dưới 16 tuổi, phải có sự đăng ký thông tin của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Ngoài ra, các nhà phát hành trò chơi phải tuân thủ các điều kiện về nội dung game, bao gồm việc phân loại theo độ tuổi, cấm mô phỏng các trò chơi casino (sòng bài), và không được sử dụng hình ảnh lá bài, hành động khiêu dâm, bạo lực hoặc nội dung trái thuần phong mỹ tục.

choi-game-1-1731409984.jpg
Theo quy định mới, người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 60 phút/ngày

Cần sự giám sát chặt chẽ từ phụ huynh

Trước Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã ra các quy định nhằm giới hạn thời gian của trẻ. Điển hình như tại Trung Quốc, vào năm 2021, Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia (NPPA) đã ra quy định siết chặt kiểm soát với các công ty cung cấp trò chơi trực tuyến cho người dùng trẻ tuổi. Theo đó, các công ty game bị cấm cung cấp dịch vụ cho trẻ em ngoài khung giờ hạn chế.

Người dùng dưới 18 tuổi chỉ được phép truy cập trò chơi trực tuyến vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật và chỉ trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối. Trong các dịp lễ quốc gia, trẻ vị thành niên cũng chỉ được phép chơi trong khoảng thời gian này. Các công ty game trực tuyến phải đảm bảo đã triển khai hệ thống xác thực tên tuổi người chơi. Mỗi tựa game phải kết nối với hệ thống chống nghiện được NPPA thiết lập.

Trước biện pháp của Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, trẻ vị thành niên có thể lách luật bằng cách sử dụng tài khoản của cha mẹ. Do đó, thay vì cấm trò chơi điện tử, Việt Nam và các quốc gia khác nên tập trung xây dựng các "tường lửa" quản lý hiệu quả.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, game là ngành kinh doanh có điều kiện, không thể chỉ cấm đoán mà cần phải có các yếu tố bảo đảm để nó hoạt động một cách có quy tắc. Các cơ quan Nhà nước đã có các văn bản quy phạm pháp luật, giờ đây cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo trò chơi điện tử tuân thủ các quy định.

Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường vai trò và trách nhiệm của phụ huynh trong việc giám sát chặt chẽ việc trẻ em và thanh thiếu niên chơi game cũng như sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Điều này nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ môi trường này và bảo vệ sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-duoi-18-tuoi-khong-duoc-choi-game-qua-60-phutngay-7903.html