Giá vàng quốc tế giảm mạnh đã kéo theo giá vàng miếng và vàng nhẫn SJC trong nước lao dốc. Sáng nay (13/11), vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 80,5-84 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 6-8 triệu đồng so với đỉnh gần đây. Vàng nhẫn SJC giảm xuống dưới mốc 80 triệu đồng/lượng, còn 79,5-82,2 triệu đồng/lượng. So với đầu tuần, vàng miếng giảm 1,8 triệu đồng và vàng nhẫn giảm 2 triệu đồng mỗi lượng. Các dự báo cho thấy giá vàng có thể còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Biện pháp bình ổn mang về cho ngân hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận
Trong thời gian qua, để bình ổn thị trường vàng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp kéo giá vàng SJC sát với thế giới như đấu giá vàng và bán trực tiếp đến người dân thông qua các đơn vị chỉ định. Thực tế, sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước đã rút về còn 3 - 4 triệu đồng/lượng.
Số liệu từ NHNN cho thấy, từ ngày 19/4 đến 29/10, cơ quan này đã tổ chức 9 phiên đấu thầu và 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp ra thị trường, cung ứng tổng cộng hơn 13 tấn vàng. Trong đó, từ 19/4 đến 23/5, có 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng 48.500 lượng (khoảng 1,82 tấn).
Giai đoạn từ ngày 3/6 đến 29/10, NHNN chuyển sang bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) với tổng cộng 305.600 lượng (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).
Các đơn vị này bán vàng theo quy trình: NHNN công bố giá vàng miếng SJC vào đầu ngày, sau đó 4 ngân hàng và Công ty SJC sẽ cộng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng và bán cho người dân. Với khoản chênh lệch 1 triệu đồng/lượng vàng này, 4 ngân hàng và SJC đã thu về đến 305,6 tỉ đồng trong gần 5 tháng qua, chưa kể lợi nhuận từ 9 phiên đấu thầu trước đó (19/4 - 23/5) khi giá vàng SJC chênh lệch với thế giới từ 10 - 18 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, với quy trình chỉ bán mà không phải mua vào, 4 ngân hàng đã thu được trọn vẹn khoản chênh lệch 1 triệu đồng/lượng mà không phải chịu rủi ro từ biến động giá vàng, nhưng cũng mang lại khá nhiều bất bình cho người dân.
Lý giải điều này, tại phiên chất vấn gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong giai đoạn này, NHNN chưa triển khai kế hoạch mua lại vàng từ thị trường nên các ngân hàng thương mại sẽ chủ yếu tập trung vào giải pháp tăng cung vàng, giải quyết nhu cầu đang tăng cao. Các hoạt động mua bán vàng vẫn diễn ra bình thường tại 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng khác.
Đồng thời, việc mua lại vàng khá phức tạp vì cần phải kiểm định chất lượng và hàm lượng vàng chính xác, đòi hỏi đầu tư trang thiết bị và nhân sự để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro về chất lượng.
Thị trường đang bất bình thường
Nêu quan điểm về những diễn biến vừa qua, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường vàng hiện nay diễn biến "bất thường," với mức chênh lệch cao giữa giá mua và bán vàng miếng SJC cũng như vàng nhẫn, và tình trạng giao dịch gặp nhiều khó khăn. Người dân có tiền cũng khó mua vàng, mà khi muốn bán lại bị hạn chế, thậm chí bị trừ tiền nếu bao bì vàng bị hư hại.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu thống kê, sẽ thấy lượng tiền đổ vào vàng không lớn như một số sản phẩm hay ngành nghề kinh doanh khác. Do đó, không nên giữ quan điểm coi vàng là một sản phẩm quá "ghê gớm" hay "con ngáo ộp" ảnh hưởng đến kinh tế cả nước.
Ông Hiển đề xuất NHNN nên ngừng giải pháp bán vàng qua các ngân hàng thương mại và SJC, thay vào đó cần để thị trường vận hành bình thường bằng cách cho phép các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng miếng như trước. NHNN có thể quản lý số lượng vàng nguyên liệu nhập khẩu và thu thuế, phí phù hợp.
Để giảm nhu cầu tích trữ vàng trong dân, Chính phủ cần duy trì lạm phát thấp và lãi suất tiết kiệm hợp lý, tạo niềm tin vào đồng nội tệ. Trước đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhận định, giá vàng tăng một phần do giá thế giới cao, nguồn cung nhỏ hơn cầu, và bất động sản đóng băng khiến người dân tìm đến vàng như một kênh trú ẩn.
Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo quản lý thị trường vàng một cách chặt chẽ, minh bạch, ứng dụng công nghệ để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp và cửa hàng vàng, cũng như tăng cường chống buôn lậu vàng, khi nhiều đường dây buôn lậu đã bị phát hiện gần đây.
Ông Phớc nhấn mạnh, dù vàng không còn là thước đo của tiền tệ, nhưng vẫn là một kim loại quý và nơi trú ẩn cho tiền nhàn rỗi nên cần được quản lý nghiêm ngặt. Chính phủ hiện đang điều chỉnh Nghị định 24 để phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho thị trường vàng phát triển ổn định và lành mạnh.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, giá vàng hiện vẫn chưa ổn định do nhiều yếu tố khách quan như kinh tế thế giới, lãi suất, tỷ giá và giá dầu. Trong dài hạn, NHNN duy trì quan điểm chống vàng hóa, không khuyến khích tích trữ vàng miếng, nhằm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với hoạt động đầu tư và đầu cơ. Riêng với nhu cầu tích lũy vàng truyền thống, NHNN sẽ có giải pháp cung ứng phù hợp.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ts-dinh-the-hien-khong-nen-coi-vang-la-mot-san-pham-la-con-ngao-op-anh-huong-den-kinh-te-7916.html