Muôn kiểu ngăn nước triều cường
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai biến đổi chậm và duy trì ở mức cao. Trong đó, mực nước cao nhất ngày tại các trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đều vượt Báo động 3. Trong chiều 15/11, nhiều khu vực trũng thấp, ven sông, kênh rạch tại TP. HCM như quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh… bị ngập do triều cường.
Tại đoạn đường Phú Định (phường 16, quận 8) nước dâng cao tràn vào một số nhà dân gây nên tình trạng ngập úng. Giao thông qua khu vực này gặp nhiều khó khăn. Người dân địa phương cho biết, sau thời gian thi công cống Phú Định (công trình thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), hiện nhà của các hộ dân đều thấp hơn mặt đường khoảng 1m. Mỗi khi có triều cường thì nước tràn ngoài đường vào nhà gây ngập.
Bà Lê Thị Thủy (ngụ phường 16) cho biết, để chống ngập, một số gia đình ở đây phải trang bị máy bơm, thậm chí đắp cả bao cát để ngăn nước tràn vào nhà.
Anh Minh (phường 16) cho hay, đoạn đường khoảng 300m đi qua công trường thì vừa hư hỏng, vừa xuống cấp. Mỗi khi nước ngập sâu, người dân đi lại và đặc biệt là học sinh thường bị té ngã nhìn rất tội. Công trình thì không thi công suốt mấy năm qua, anh hy vọng dự án này sẽ sớm khởi động trở lại để thoát cảnh sống chung với ngập.
Trong khi đó, chị Trần Thị Hiếu (ngụ đường Bùi Văn Ba, quận 7) chia sẻ, các đợt triều cường dâng cao gần đây đã khiến cuộc sống của gia đình chị đảo lộn hoàn toàn. Nước vào nhà, làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Hai đứa con của chị cũng phải nghỉ học vì chị không thể đưa chúng đến trường được.
Chị Hiếu bộc bạch, người dân nơi đây rất hy vọng vào các dự án chống ngập. Bởi chỉ khi các dự án này được thực hiện và đưa vào sử dụng, tình trạng ngập mới được cải thiện. Khi đó, sinh hoạt của người dân sẽ không còn bị xáo trộn như hiện nay.
Tương tự, bà Lê Thị Hoa (đường Trần Xuân Soạn, quận 7) cũng cho hay, những đợt triều cường gần đây nước tràn vào, gây ngập sâu hơn. Đã quen với các đợt triều cường, gia đình bà đã chủ động kê cao đồ đạc. Gia đình còn mua cả máy bơm nhưng thấy không hiểu quả, vì máy bơm nước ra thì lại có nước tràn vào.
Bà Hoa cho biết thêm, bà mới biết thông tin dự án cải tạo đường Trần Xuân Soạn sắp được triển khai. Trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây, bà con nơi đây đã bày tỏ lo ngại khi thực hiện dự án, liệu mặt đường Trần Xuân Soạn có cao hơn nền nhà dân không.
Bởi thực tế, nhiều dự án chống ngập hoàn thành rồi, mặc dù đường không còn ngập, nhưng các hẻm, nhà dân lại ngập nặng hơn. Chính quyền đã trả lời dự án sẽ không làm mặt đường cao hơn nền nhà dân, nên bà và hàng xóm cảm thấy yên tâm, phấn khởi. Bà Hoa bảo, chỉ mong dự án triển khai nhanh chóng để bà con sớm thoát khỏi cảnh khốn khổ với triều cường.
Triều cường vẫn cao những ngày tới
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên trong 1 - 2 ngày nữa theo kỳ triều cường Rằm tháng 10 Âm lịch, sau đó xuống lại. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể xuất hiện vào ngày 16 - 17/11.
Đỉnh triều cường trong đợt này dự kiến mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè đạt khoảng 1,70 - 1,75m, cao hơn mức Báo động III từ 0,10 - 0,15m. Thời gian đỉnh triều dự kiến xuất hiện vào các khung giờ 4 - 6 giờ sáng và 16 - 18 giờ chiều.
Theo nhận định từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là đợt triều cường có mức độ cao, khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng thấp, ven sông, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. HCM.
Ông Lê Đình Quyết - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, đợt triều cường vào Rằm tháng 10 Âm lịch dù không cao bằng đợt triều tháng 9 Âm lịch, nhưng vẫn có khả năng gây ngập ở một số khu vực trũng thấp như: đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)…
Để chủ động ứng phó với đợt triều cường này, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. HCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó với tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ. Cần thông báo thường xuyên về diễn biến của đợt triều cường qua các phương tiện truyền thông để người dân và các địa phương chủ động ứng phó.
Các đơn vị cần kiểm tra, rà soát các bờ bao, cống, cửa van ngăn triều có nguy cơ xung yếu và chuẩn bị vật tư để xử lý kịp thời, gia cố các bờ bao ngay từ đầu theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm ngăn ngừa tình trạng vỡ, tràn bờ bao hoặc sự cố ở cửa van cống kiểm soát triều, gây ngập úng và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Đồng thời, các lực lượng và vật tư cần được chuẩn bị sẵn sàng để khắc phục nhanh chóng nếu xảy ra sự cố liên quan đến các gói thầu trong dự án bờ hữu sông Sài Gòn tại địa phương.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-dan-tp-hcm-phai-dung-bao-cat-mua-may-bom-de-chong-trieu-cuong-7980.html