Chống lại nạn deepfake, dự luật mới của California bị mạng xã hội X khởi kiện

Deepfake đang trở thành vấn đề nan giải trên các mạng xã hội, chính vì vậy chính quyền bang California (Mỹ) đang đề xuất luật mới yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải xóa hoặc dán nhãn các nội dung do AI tạo ra, bao gồm các nội dung bầu cử gian lận. Tuy nhiên, mạng xã hội X của Elon Musk lại đang chống lại luật này.

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang Mỹ mới đây, nhắm vào đạo luật của California. Đạo luật này chống lại các video, hình ảnh, âm thanh có hại hoặc đã bị can thiệp bằng trí tuệ nhân tạo làm cho nó trở nên sai lệch với sự thật. Lợi dụng công nghệ deepfake, loại nội dung này có thể khiến người xem hiểu lầm về một sự việc, một con người nào đó. Hậu quả của deepfake là điều không cần phải chứng minh khi hàng loạt các nội dung sai lệch đã được phát hiện thời gian vừa qua, bao gồm các video deepfake lừa đảo liên quan đến chính ông chủ của X là Elon Musk.

Đạo luật của California dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.

elon-musk-1731748177.webp
Mạng xã hội X của Elon Musk đang khởi kiện bang California nhằm ngăn chặn thực thi Đạo luật AB 2655 - chống lại nạn deepfake trên mạng xã hội.

Dự luật số 2655 (AB 2655) là một trong ba dự luật mà thống đốc bang California là Gavin Newsom đã ký thành luật trong năm nay để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về deepfake trước thềm của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Các nhà lập pháp California thông qua đạo luật này đang cố gắng giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn của deepfake đối với người dân, tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với các phản ứng dữ dội từ phía các giám đốc điều hành công nghệ khi “cần câu cơm” của họ phải chịu các quy định, hạn chế mới từ Luật này. Nhiều người cho rằng, Luật này cũng sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận trực tuyến của người dùng.

Sự tập trung vào deepfake liên quan tới cuộc bầu cử xuất hiện sau khi Thống đốc Newsom có phiên tranh luận trực tuyến đối với Elon Musk. Ông Musk trước đó đã chia sẻ một video lan truyền về Phó Tổng thống Kamala Harris sử dụng AI để thay đổi những gì đại diện đảng Dân chủ nói ra trong chiến dịch tranh cử của bà.

Đối nghịch với bà Harris, tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk lại ủng hộ nhiệt tình đối với ông Donald Trump. Ông Trump cũng từng đăng những hình ảnh deepfake của ca sĩ Taylor Swiff, ám chỉ sai sự thật ràng siêu sao này đã ủng hộ ông.

depfake-1731748498.webp
Một bức ảnh deepfake về ông Donald Trump chống lại cảnh sát được lan truyền trên mạng xã hội.

Trong đơn kiện mới gửi đi, mạng xã hội X cáo buộc luật mới sẽ thúc đẩy các trang mạng xã hội dán nhãn hoặc xóa nội dung bầu cử hợp pháp vì lý do thận trọng. “Hệ thống này chắc chắn sẽ dẫn đến việc kiểm duyệt nội dung chính trị và bình luận có giá trị”, đơn kiện của X nêu rõ.

Theo đơn kiện, Luật mới vi phạm việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ và Mục 230 luật liên bang (Mỹ) vốn bảo vệ các nền tảng trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng tạo ra.

X đã kiện tổng chưởng lý California Rob Bonta và Bộ trưởng ngoại giao Shirley Weber để ngăn chặn luật này.

Người phát ngôn của Bonta cho biết, Bộ Tư pháp California đã và tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ Đạo luật 2655 tại tòa án.

Văn phòng của Newsom lưu ý rằng AB 2655, được gọi là Đạo luật Bảo vệ nền dân chủ khỏi sự lừa dối Deepfake năm 2024, miễn trừ nội dung nhại lại và châm biếm. Văn phòng thống đốc cho biết họ tin tưởng rằng tiểu bang sẽ thắng kiện tại tòa.

 

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chong-lai-nan-deepfake-tren-mang-xa-hoi-du-luat-moi-cua-california-bi-mang-x-khoi-kien-7984.html