Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề có điều kiện

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đề nghị phải có thông tư hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm. Bởi đây là nhu cầu cần thiết trong xã hội. Ông nhấn mạnh, thay vì "quản lý không được thì cấm", nên có cơ chế quản lý phù hợp cho hoạt động này.

Cần sự phối hợp của phụ huynh

Sáng 20/11, trong phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm về vấn đề dạy thêm, học thêm. Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nêu, hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường mang lại lợi ích cho một bộ phận giáo viên, nhưng ở nhiều nơi, nó đang bị lạm dụng, tạo ra áp lực về học tập và kinh tế cho học sinh cũng như phụ huynh.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo cần nhanh chóng sửa đổi các quy định liên quan, theo hướng điều chỉnh sao cho hợp lý, hài hòa lợi ích giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên. Đồng thời, cần siết chặt chất lượng giờ học chính khóa, thay đổi tư duy về thi cử và giảm bớt áp lực học hành.

Đặc biệt, ông Huy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạc Đầu tư sớm tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

day-them-hoc-them-1732100868.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Gia Hân)

Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dạy thêm, học thêm là vấn đề quan trọng, xuất phát từ nhu cầu thực tế và rất đa dạng. Bộ đã ban hành nhiều quy định, trong đó có Thông tư 17/2012 nhằm kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, cũng như các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của giáo viên và ứng xử trong trường học. Tuy nhiên, với môi trường ngoài nhà trường, hiện nay vẫn thiếu cơ sở pháp lý để giám sát, điều chỉnh và xử lý vi phạm.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Huy về việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2020, trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục Đào tạo từng gửi đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp thuận.

Theo Bộ trưởng, việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó, để làm lành mạnh hóa hoạt động dạy thêm, học thêm, cần phải có những giải pháp đồng bộ, không thể giải quyết một cách riêng lẻ. Ngoài nỗ lực của ngành Giáo dục trong kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm, còn cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương. Với hơn 53.000 trường học trên cả nước, ngành Giáo dục khó có thể kiểm soát hết tất cả các địa bàn xung quanh các cơ sở giáo dục này.

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của phụ huynh học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan chính là nhu cầu từ phía phụ huynh. Có những phụ huynh yêu cầu giáo viên trông con, có người thấy con học một ca chưa yên tâm, nghe thông tin giáo viên giỏi ở đâu là lập tức đưa con đến học thêm. Nếu phụ huynh biết chọn lọc các khóa học thêm cho con, sẽ giúp giảm bớt áp lực và căng thẳng cho các em học sinh.

day-them-hoc-them-1-1732100868.jpg
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của học sinh và giáo viên

Đừng “không quản được thì cấm”

Liên quan đến vấn đề dạy thêm học thêm, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là một nhu cầu thực tế, do đó cần có những chính sách quản lý phù hợp.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) đã đề cập đến quy định trong dự thảo về những hành vi mà nhà giáo không được phép làm, trong đó có việc ép buộc học sinh tham gia học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Bà Thủy cho rằng cần có cái nhìn toàn diện về dạy thêm, học thêm để xây dựng các quy định hợp lý và thực tế hơn.

Thực tế, dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên, trong khi học thêm là nhu cầu của nhiều học sinh, đặc biệt ở khu vực đô thị nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Không chỉ học sinh có học lực yếu mà ngay cả những em học tốt cũng có nhu cầu để nâng cao kiến thức, mong muốn thi vào các trường chuyên, đại học danh tiếng.

Bà Thủy nhấn mạnh, nếu cho rằng việc tăng lương và cải thiện chế độ đãi ngộ cho giáo viên sẽ giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm thì đó là quan điểm chủ quan, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, bên cạnh khuyến khích tự học, việc cần nhà giáo định hướng, hướng dẫn là nhu cầu chính đáng và nên xem dạy thêm là một nghề có thu. Đã có thời điểm, dạy thêm, học thêm bị cấm, nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra, thậm chí còn khó quản lý hơn trước.

Hiện Bộ Giáo dục đang xây dựng thông tư về dạy thêm, học thêm. Nữ đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhận định quy định nhà giáo có quyền dạy thêm sẽ là một sự chính danh cho hoạt động chính đáng này.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cũng đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư có thông tư hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm, vì đây là nhu cầu cần thiết trong xã hội hiện nay. Ông Khánh cho biết, hiện nay có hai luồng quan điểm về vấn đề này: Một là cấm, hai là quản lý. Tuy nhiên, thay vì "quản lý không được thì cấm", cần cơ chế quản lý phù hợp cho hoạt động dạy thêm, học thêm.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-dua-day-them-hoc-them-vao-nganh-nghe-co-dieu-kien-8067.html