Người lao động “phát sốt” khi tiền điện ngang chi phí thuê trọ

Chị Nguyễn Thị Yến đã thuê phòng ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã nhiều năm. Ban đầu giá điện chủ nhà đưa ra là 3.500 đồng/số, nhưng mới đây tăng lên 4.500 đồng/số. Chị Yến chia sẻ, giá điện cao khiến tiền điện có khi gấp đôi, thậm chí vào tháng cao điểm mùa hè còn gấp ba lần tiền thuê nhà.

Giá điện 5.000 đồng/số

Tùy vào mức độ tiêu thụ điện, giá điện có thể thay đổi, nhưng mức giá tối đa theo quy định của Nhà nước là 3.302 đồng/kWh. Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều phòng trọ hiện nay, giá điện đang cao hơn rất nhiều so với mức quy định của Nhà nước.

Khảo sát tại khu vực như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân (Hà Nội) cho thấy, nhiều người thuê trọ phải trả từ 4.000 - 5.000 đồng mỗi kWh, cao hơn mức giá điện sinh hoạt bậc 6 tới gần 1.000 đồng.

tien-dien-1-1732165195.jpg
Nhiều khu trọ đã tăng giá lên 5.000 đồng/số điện

Chị Đặng Thị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 3 người, với giá điện 4.500 đồng/số, mỗi tháng tiền điện thường rơi vào khoảng hơn 1 triệu đồng. Những tháng cao điểm, số tiền này còn cao hơn. Mức lương 8 triệu đồng/tháng, việc phải chi trả tiền nhà, tiền điện và các khoản sinh hoạt thực sự là một gánh nặng với chị.

Chị Thúy bảo, để giảm bớt chi phí, chị đã tìm phòng trọ khác có giá hợp lý hơn. Nhưng giá điện 4.500 đồng/số đang là mức giá chung của đa số nhà trọ trong khu vực này. Không tìm được nơi ở giá rẻ, gia đình chị đành phải cố gắng tiết kiệm tối đa để giảm chi phí.

Nguyễn Thanh Hà (sinh viên một trường đại học Hà Nội) đang thuê phòng trọ trên phố Nguyễn Hoàng cũng đang phải trả 4.000 đồng/số điện, mức giá cao so với quy định của Nhà nước. Mỗi tháng Hà phải trả từ 500.000 - 600.000 đồng. Mặc dù mức giá này khá cao, nhưng vì gần trường và cũng khó tìm được phòng trọ với giá điện thấp hơn nên cô đành chấp nhận.

Là sinh viên chưa có thu nhập ổn định, chi phí sinh hoạt của Hà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ gia đình. Chính vì vậy, Hà cố gắng xây dựng thói quen tiết kiệm điện. Cô luôn tắt các thiết bị điện khi không sử dụng để tránh lãng phí. Khi sử dụng máy giặt hay điều hòa, cô luôn điều chỉnh sao cho hợp lý. Hà cho hay, dù mỗi khoản tiết kiệm có vẻ nhỏ, nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính hàng tháng, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt và tiền điện ngày càng tăng cao. Cô còn thường cân đối chi phí đi lại để bù thêm vào tiền điện.

Chị Nguyễn Thị Yến đã thuê phòng ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã nhiều năm. Ban đầu giá điện chủ nhà đưa ra là 3.500 đồng/số, nhưng từ hơn một năm nay giá điện đã tăng lên thành 4.000 đồng/số, rồi mới đây là 4.500 đồng/số. Chị Yến chia sẻ, giá điện cao khiến tiền điện có khi gấp đôi, thậm chí vào tháng cao điểm mùa hè còn gấp ba lần tiền thuê nhà.

Không chỉ Hà Nội, các khu trọ tại TP. HCM cũng xuất hiện giá điện 4.500 - 5.000 đồng/số. Anh N.N.B. (quận Gò Vấp, TP. HCM) vừa chuyển đến nơi ở mới vì chỗ cũ đã tăng giá điện từ 3.800 đồng lên 4.500 đồng/kWh. Anh bức xúc cho biết, chủ nhà cứ vài tháng lại tăng giá điện lên vài trăm đồng, khiến người thuê trọ đã khó khăn càng thêm phần vất vả.

Ngoài tiền điện, còn phải trả thêm phí dịch vụ từ 150.000 - 200.000 đồng mỗi phòng, tiền nước 150.000 đồng/người và các khoản như WiFi, rác… Tổng cộng cũng lên đến gần một nửa giá tiền phòng. Dù mỗi khoản không lớn nhưng ngày qua tháng lại, nó cũng thành gánh nặng.

Còn chị P.G. (ngụ tại Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, hiện chị phải trả tiền điện hàng tháng với mức giá 4.500 đồng/kWh. Dù cố gắng tiết kiệm, mỗi tháng tiền điện của chị cũng dao động gần nửa triệu đồng. Chị cảm thấy mức giá này khá cao, nhưng nhìn chung ở đâu cũng thế nên đành chấp nhận.

L.H. - một môi giới phòng cho thuê cho biết, mức giá 4.000 đồng/kWh hiện nay là giá thị trường, còn nhẹ so với mặt bằng chung. Một số nơi thậm chí thu từ 4.500 đến 5.000 đồng/kWh.

Chủ nhà thu tiền cao, người thuê báo cho ngành điện

Một số chủ nhà trọ giải thích, mức giá điện cao vượt mức quy định là do họ tính thêm các khoản phí dịch vụ như chi phí đèn chiếu sáng và hệ thống bơm nước vào giá điện cho người thuê. Tuy nhiên, các khoản phí này thực tế đã được tính chung trong tiền dịch vụ quản lý mà người thuê phải trả.

Những người thuê trọ đa số là học sinh, công nhân, lao động nhập cư. Việc giá điện cao hơn quy định càng làm tăng gánh nặng tài chính cho họ. Chủ trọ làm đúng quy định có thể giúp người thuê tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.

tien-dien-1732165195.jpg
Việc giá điện cao hơn quy định càng làm tăng gánh nặng tài chính của người thuê trọ

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận định, tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số chủ nhà không nắm rõ các quy định của Nhà nước, dẫn đến việc thu tiền điện vượt mức quy định của ngành điện.

Thứ hai, một số chủ nhà vừa hưởng lợi từ chính sách ưu đãi giá điện của Nhà nước cho người thuê, nhưng lại áp dụng mức giá cao nhất của các đối tượng không phải thuê trọ. Đây là hành vi không lành mạnh và vi phạm các quy định của Nhà nước cũng như đạo đức kinh doanh.

Để ngăn chặn tình trạng chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành điện. Đồng thời, cần có chính sách kiểm soát việc tính giá điện của các chủ nhà trọ. Cũng cần tuyên truyền để người thuê trọ nắm được các chính sách ưu đãi mà họ được hưởng, giúp họ có cơ sở để thương lượng và tạo lập căn cứ pháp lý khi ký hợp đồng thuê và thanh toán tiền điện.

Ngành điện TP. HCM cũng nhận định, hiện nay vẫn còn nhiều chủ nhà trọ chưa hiểu rõ về các quy định của Nhà nước liên quan đến giá bán lẻ điện cho người thuê trọ, dẫn đến việc thu tiền điện với mức giá cao hơn mức quy định.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) cho biết, theo quy định, đối với trường hợp cho thuê nhà cho sinh viên và người lao động (những người thuê không phải là một hộ gia đình), tiền điện sẽ được tính như sau:

Nếu có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, chủ nhà hoặc đại diện của bên thuê nhà sẽ ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với ngành điện.

Nếu thời gian thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không kê khai đầy đủ số người sử dụng điện, thì sẽ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200 kWh), mức giá 2.271 đồng/kWh cho toàn bộ sản lượng điện sử dụng.

Trong trường hợp chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện, định mức sẽ được căn cứ vào chứng từ xác nhận tạm trú. Cụ thể, mỗi bốn người thuê nhà sẽ được tính là một hộ sử dụng điện. Khi có thay đổi về số người thuê, chủ nhà phải thông báo cho ngành điện để điều chỉnh định mức tính tiền điện.

Ngành điện có quyền kiểm tra và yêu cầu bên thuê nhà cung cấp chứng từ đăng ký tạm trú để xác định số người, từ đó tính toán đúng số định mức khi lập hóa đơn tiền điện. Nếu bên thuê nhà kê khai không đúng số người sử dụng điện, dẫn đến việc tính tiền điện cao hơn thực tế, ngành điện có quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng.

Do đó, khi phát hiện chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn quy định, người thuê có thể thông báo cho ngành điện qua các kênh trên để kịp thời kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.

Luật sư Bùi Quang Hưng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc thu tiền điện cao hơn quy định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng. Người thuê trọ có thể phản ánh các vi phạm này tới cơ quan điện lực địa phương hoặc qua đường dây nóng 19001288.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-lao-dong-phat-sot-khi-tien-dien-ngang-chi-phi-thue-tro-8078.html