Trước đó, theo kế hoạch tắt sóng 2G của Bộ TT&TT, hạn chót cho các nhà mạng thực hiện hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên thiết bị 4G là 15/10/2024. Sau thời điểm này, các thuê bao 2G only sẽ bị khóa 2 chiều. Tính đến ngày 16/10, vẫn còn 225.000 thuê bao 2G only chưa thực hiện chuyển đổi, các nhà mạng tiếp tục tích cực hỗ trợ khách hàng “để không ai bị bỏ lại phía sau”, số lượng thuê bao này đã liên tục giảm mạnh. Ở thời điểm hiện tại, cả nước chỉ còn 143.000 thuê bao 2G only chưa chuyển đổi và đang bị khóa 2 chiều.
Cục viễn thông cho biết, sau thời gian thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi, nhà mạng có số lượng thuê bao 2G only hoàn thành chuyển đổi lên 4G nhiều nhất lần lượt là Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone.
Theo đại diện các nhà mạng, đa phần số thuê bao đang bị khóa 2 chiều là các thuê bao dự phòng của khách hàng, đã không còn nhu cầu sử dụng.
Trước đó, tại thời điểm tháng 1/2024, cả nước còn khoảng 18,2 triệu thuê bao 2G only. Sau khi Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp hỗ trợ, các đơn vị bán lẻ thiết bị 4G cùng vào cuộc, số lượng thuê bao 2G only đã giảm nhanh chóng, tỷ lệ với số tăng thuê bao 4G.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thì hiện nay, công nghệ 2G đã trở nên lỗi thời sau 30 năm sử dụng. Rất nhiều thiết bị và mạng lưới đã không còn đáp ứng được nhu cầu hiện tại, thiếu ổn định, tiêu thụ nhiều năng lượng… việc thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh.
Kế hoạch tắt sóng 2G đã được Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông lên kế hoạch, chuẩn bị trong thời gian dài, theo lộ trình từng bước, từ việc ngừng nhập khẩu máy 2G Only từ năm 2021, không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G không có chứng nhận hơp quy. Từ đầu năm nay, để thúc đẩy quá trình số hóa, đưa người dân bước lên môi trường số, Bộ TT&TT cũng đã nỗ lực, định hướng người dân chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị smartphone; các doanh nghiệp di động cũng đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ người tiêu dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị đầu cuối cũng đã có các chính sách ưu đãi về giá để hỗ trợ người dân tiếp cận với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn mới (4G)….
Chia sẻ về xu hướng thế giới cũng như sự cần thiết phải chuyển đổi từ mạng 2G lên 4G tại Việt Nam, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, trên thế giới hiện đã có 77 nước lên kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G, đa phần đều dừng vào năm 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng vào năm 2030. Trong đó, 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G. Đây là xu hướng của hầu hết các nước tiên tiến.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh: “Việc chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G vào năm 2024, sau đó tắt toàn bộ mạng vào năm 2026 và dừng 3G vào năm 2028 là đi đúng xu hướng của thế giới. Với người dùng 2G chuyển sang điện thoại thông minh 4G, đây là cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới, các dịch vụ từ trước đến nay chưa được dùng. Người sử dụng có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của Nhà nước từ ứng dụng trên smartphone thay vì vào website. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới”.
Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 thì mục tiêu đến năm 2030, chúng ta sẽ hướng tới phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, đưa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử lên trên 80%, đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI), và đặc biệt là phổ cập mạng di động 5G trong toàn dân. Việc tắt sóng 2G sẽ là bước quan trọng để chúng ta hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/143000-thue-bao-2g-dang-bi-khoa-2-chieu-8086.html