Hàng quốc tế trên sàn thương mại điện tử nội địa
Mua sắm trực tiếp từ cửa hàng nước ngoài qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Các sàn nội địa lần lượt cho phép các nhà bán hàng nước ngoài tiếp cận khách Việt từ giai đoạn trước dịch Covid-19 (2018 - 2020).
Theo dữ liệu của EcomHeat, từ tháng 4 - 9/2024, hơn 12% sản phẩm bán ra trên các sàn này được khai báo vận chuyển từ nước ngoài. Thống kê của Metric cũng chỉ ra, trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch (GMV) của nhóm hàng có kho tại nước ngoài riêng trên Shopee đạt hơn 10.300 tỷ đồng với 237 triệu sản phẩm được bán ra. Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc.
Người tiêu dùng Việt bị thu hút bởi các lợi thế lớn từ hàng quốc tế, đặc biệt là giá rẻ, đa dạng mẫu mã và chính sách vận chuyển ưu đãi. Anh Phan Văn Tân (quận 11, TP. HCM) cho biết, khoảng 10% hàng hóa anh mua online đến từ các cửa hàng quốc tế, chủ yếu là đồ điện tử và quần áo. Lý do là vì giá rẻ và nhiều mẫu mã hơn so với các shop trong nước.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Hằng (quận 5, TP. HCM) cho hay, trong số 5 đơn hàng online đang chờ giao của chị, có 2 đơn được mua trực tiếp từ các cửa hàng quốc tế vì mẫu mã đẹp và giá cả, phí vận chuyển hợp lý.
Với cùng một sản phẩm, chị chọn mua ở cửa hàng nào có giá rẻ và miễn phí vận chuyển, bất kể xuất xứ. Đợt "săn sale" ngày 11/11 vừa qua, chị tập trung tìm kiếm các sản phẩm gia dụng như giỏ đựng quần áo, bàn là hay cây lá nhân tạo. Do các sản phẩm này không cần dùng ngay nên chị ưu tiên chọn các cửa hàng quốc tế để đặt hàng.
Hiện nay, các shop quốc tế chiếm lĩnh một phần không nhỏ trên các sàn nội địa. Theo số liệu, các mặt hàng quốc tế bán chạy nhất trên Shopee trong 9 tháng đầu năm 2024 gồm sản phẩm làm đẹp (2.180 tỷ đồng), thời trang nữ (1.500 tỷ đồng) và điện thoại - phụ kiện (830 tỷ đồng).
Dù vậy, một điểm hạn chế của các sản phẩm quốc tế là thời gian giao hàng thường kéo dài từ 5-7 ngày. Chỉ một số ít shop quốc tế có hàng lưu kho sẵn tại Việt Nam mới có thể giao nhanh hơn, nhưng không phổ biến.
Áp lực cho hàng trong nước
Sự phổ biến của các cửa hàng quốc tế trên sàn thương mại điện tử trong nước không chỉ thay đổi thói quen mua sắm của người Việt mà còn tạo ra những thách thức lớn cho các nhà bán hàng nội địa. Ông Nguyễn Trần Tín - giảng viên Học viện Lazada nhận định, dù các shop nội địa có lợi thế về thời gian giao hàng, họ vẫn gặp áp lực lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Hàng Trung Quốc thường có kho sát biên giới, nhưng về TP. HCM nhanh nhất cũng mất 4 - 5 ngày do phải thông quan và vận chuyển. Nhưng mức giá cạnh tranh và mẫu mã đa dạng vẫn là yếu tố khiến người tiêu dùng lựa chọn.
Một vấn đề lớn khác là nhiều shop nội địa cũng tham gia phân phối hàng nhập khẩu thay vì tập trung vào các sản phẩm "made in Vietnam". Điều này khiến thương hiệu nội địa càng khó cạnh tranh, nhất là khi họ chưa đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu và tiếp thị.
Theo ông Nguyễn Phạm Hà Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), để cạnh tranh, hàng Việt cần tập trung vào chất lượng và tận dụng các tài nguyên bản địa.
Ông Minh nhấn mạnh, cơ hội lớn nhất của hàng Việt là phát triển các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc tự nhiên và phù hợp với nhu cầu trong nước. BSA đang xây dựng các chương trình tiếp thị tập thể dành riêng cho hàng Việt, với mục tiêu tối thiểu là giành lại thị phần trong nước.
Trước làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ, Chính phủ đã đưa ra các đề xuất sửa đổi Luật Quản lý Thuế nhằm siết chặt hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, các nhà cung cấp nước ngoài, dù có hiện diện tại Việt Nam hay không, sẽ phải đăng ký, kê khai và nộp thuế. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử cũng phải chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay người bán.
Ngoài ra, Chính phủ đang xem xét bỏ miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua các sàn thương mại điện tử. Quy định này nhằm tránh thất thu thuế và tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các nhà sản xuất trong nước.
Với sự tiện lợi từ sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng dễ dàng tiếp cận và mua sắm trực tiếp từ các cửa hàng nước ngoài. Vì vậy, để cạnh tranh và giành lại thị phần, hàng Việt cần tập trung vào chất lượng, tận dụng tài nguyên bản địa và đầu tư nhiều hơn vào xây dựng thương hiệu. Trong bối cảnh Chính phủ siết chặt quản lý thuế và thương mại điện tử, đây có thể là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa lấy lại vị thế trên thị trường.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-tieu-dung-viet-ngay-cang-chuong-mua-sam-truc-tiep-tu-cua-hang-nuoc-ngoai-8091.html