Tranh cãi mức áp thuế
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có quy định “bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới. Quy định này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng…
Bộ Y tế cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường là chưa đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Bộ này đề xuất nâng mức thuế lên 40%. Theo nghiên cứu của Tổ chức HealthBridge Canada, nếu áp dụng mức thuế 40%, ngân sách có thể thu về khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng.
Ngược lại, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 10%, với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đồ uống có lượng đường thấp, đồng thời nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Theo Bộ Tài chính, việc mở rộng phạm vi thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên các bằng chứng khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng cả kỳ vọng tăng thu ngân sách lẫn tác động điều chỉnh hành vi tiêu dùng đều có thể không đạt được như mong đợi. Do đó, cần xem xét lại việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật, để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả khi áp dụng.
Thứ nhất, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có nguy cơ không đạt mục tiêu tăng thu ngân sách và gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát, ngân sách từ thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt) trong năm đầu tiên (2026) có thể tăng 8.507 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.
Từ năm 2027 trở đi, thu ngân sách từ cả thuế gián thu và trực thu dự kiến giảm với tốc độ -0,495% mỗi năm, tương đương giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Sự suy giảm này kéo theo giảm giá trị gia tăng, sản lượng sản xuất và lợi nhuận doanh nghiệp, làm tổng nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng trong các chu kỳ sau.
Bên cạnh đó, báo cáo của CIEM cho thấy chính sách thuế này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành khác trong nền kinh tế, dẫn đến GDP giảm khoảng 0,448% (tương đương 42.570 tỷ đồng). Trước những tác động tiêu cực này, CIEM đề xuất chưa nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Nếu áp dụng mức thuế cao hơn, chẳng hạn 40%, tác động tiêu cực càng lớn hơn. Doanh thu từ thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm vì lượng tiêu thụ nước giải khát sụt giảm, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong ngành và chuỗi cung ứng liên quan.
Thứ hai, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có thể không thay đổi hành vi người tiêu dùng và chưa chứng minh được hiệu quả trong giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Áp thuế suất cao, như 40%, sẽ khiến giá bán lẻ nước giải khát có đường tăng đáng kể. Dù giá tăng có thể làm giảm tiêu thụ sản phẩm này, nhưng không có bằng chứng đảm bảo rằng tỷ lệ thừa cân, béo phì sẽ giảm. Người tiêu dùng vẫn có thể chuyển sang tiêu thụ các thực phẩm chứa đường khác như nước uống đường phố, đồ uống tự pha chế hoặc các loại thực phẩm ngọt không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Những yếu tố này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách thuế trong việc đạt được mục tiêu sức khỏe cộng đồng, đồng thời cho thấy cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hành vi tiêu dùng.
Áp thuế theo hàm lượng đường
Sáng 22/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Liên quan đến đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng các tác động đến sức khỏe. Bởi không phải tất cả đồ uống có đường đều có hại. Khi làm việc mệt mỏi, một cốc nước ngọt có thể giúp tỉnh táo ngay. Do đó, đâu phải cứ đồ uống có đường là xấu.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí đề xuất cần có mức thuế linh hoạt dựa trên hàm lượng đường trong đồ uống. Cụ thể, ông gợi ý áp dụng ba mức thuế khác nhau với đồ uống có đường ở mức 3 - 5 gram/100 ml, 5 - 15 gram/100 ml và trên 15 gram/100 ml. Điều này không chỉ giúp điều chỉnh thói quen tiêu dùng mà còn tăng thu ngân sách một cách hợp lý.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên hàm lượng đường trong nước ngọt. Ví dụ, Thái Lan áp dụng các mức thuế khác nhau cho đồ uống có 6 - 8 gram đường/100 ml, 9 - 13 gram/100 ml áp mức thuế khác và trên 14 gram/100 ml chịu thuế cao hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bến Tre đề nghị cần định nghĩa rõ ràng nước giải khát là loại nước gì, liệu có bao gồm nước trái cây, rau quả, hay nước dừa chế biến hay không?
Ông dẫn chứng, 200.000 nông dân và 100 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tại Bến Tre đang lo lắng vì thiếu khái niệm rõ ràng, không biết sản phẩm nước dừa chế biến có thuộc diện chịu thuế hay không. Áp dụng cùng một mức thuế như trong dự thảo luật đối với nước ngọt là chưa hợp lý và có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Ban Dân nguyện cho biết, một chai nước tăng lực 350 ml trên thị trường chứa 64,5 gram đường. Trong khi đó, tháp dinh dưỡng khuyến cáo lượng đường tối đa cho người trưởng thành là 25 gram/ngày và trẻ em 3-11 tuổi là 15 gram/ngày. Một chai nước tăng lực đã cung cấp gấp đôi lượng đường khuyến cáo hàng ngày.
Theo đó, đại biểu Hà đề xuất dự luật cần có sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp sản xuất để họ chuyển sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng đường từ tự nhiên. Đồng thời, từng bước thay đổi thói quen, hành vi sử dụng đồ uống có đường của người dân, đặc biệt là giới trẻ để hạn chế tình trạng béo phì hiện nay.
Bên cạnh đó nữ đại biểu cho rằng, khi tăng thuế suất đối với mặt hàng nào đó cần cân nhắc lộ trình thực hiện phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Bởi nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/can-nhac-loi-ich-va-tac-dong-voi-de-xuat-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-theo-ham-luong-duong-8115.html