Đề xuất luật hoá các tài sản kỹ thuật số và quy định về AI tại Việt Nam

Sáng 23/11, Quốc hội đã lắng nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số. Nhiều nội dung liên quan đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI cũng như những cân nhắc về việc quản lý lĩnh vực này cũng đang được quan tâm.

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Dự án được xây dựng với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số...

ptt-le-thanh-long-1732348787.jpg
Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Theo định nghĩa của Dự án luật thì tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, dự thảo cũng khẳng định tài sản mã hóa là một loại tài sản số.

Tờ trình của Chính phủ về Dự án luật hình dung, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn. Dự thảo Luật quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

Về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dự án luật định nghĩa đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thì việc quy định về tài sản số trong dự luật là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ. Chính phủ cần nghiên cứu phân loại tài sản số và xây dựng quy định quản lý tương ứng và về các vấn đề liên quan quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Về trí tuệ nhân tạo, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu; vấn đề tôn trọng quyền tác giả;…) để xây dựng một đạo luật riêng về trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.

cnlqh-1732348938.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày trước quốc hội.

Tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI. Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI trong dự thảo Luật.

Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ.

Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.

Dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số hiện đang là một trong những dự án luật thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng thời gian gần đây khi số lượng người tham gia sở hữu loại tài sản kỹ thuật số này tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đi cùng với đó là những rủi ro tồn tại. Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về tương đương gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Con số này vẫn liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-luat-hoa-cac-tai-san-ky-thuat-so-va-quy-dinh-ve-ai-tai-viet-nam-8118.html