Gia tăng tình trạng đi lùi, chạy ngược chiều trên cao tốc
Hành vi đi lùi, chạy ngược chiều trên đường cao tốc không chỉ đe dọa an toàn của người vi phạm mà còn gây nguy hiểm nghiêm trọng đến những người tham gia giao thông khác. Dù hệ thống giám sát chưa hoàn thiện, số vụ việc liên quan đến 2 hành vi trên vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Điều này không chỉ phản ánh ý thức giao thông kém mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chế tài xử phạt và tuyên truyền giáo dục, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và ngăn chặn những thảm họa đáng tiếc trên các cung đường cao tốc.
Điển hình như ngày 26/8, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một chiếc ô tô chạy ngược chiều với tốc độ cao ở làn sát dải phân cách giữa - nơi có tốc độ tối đa cho phép lên đến 120km/h trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ngay sau đó, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã tiến hành xác minh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Hay vào sáng ngày 7/6, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn gần nút giao Đình Vũ, xảy ra trường hợp một chiếc ô tô đi lùi gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Chiếc Hyundai Accent màu trắng, bật đèn khẩn cấp và lùi xe ở làn giữa, được cho là do tài xế không chú ý quan sát và bị lỡ lối ra khỏi cao tốc. Toàn bộ sự việc đã được camera hành trình của xe phía sau ghi lại.
Trước đó, ngày 4/6, một phụ nữ thuê ô tô để chở hai con đi nghỉ hè tại Nha Trang cũng có hành vi vi phạm tương tự trên tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi đến Km43, do chạy quá lối vào nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nữ tài xế đã quyết định lùi xe lại. Sau khi xác minh, Tổ công tác của Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 đã lập biên bản vi phạm, xử phạt nữ tài xế 17 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 6 tháng.
Anh Nguyễn Văn Bình thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội - Hải Phòng, chia sẻ anh đã chứng kiến ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc này. Xe cộ trên cao tốc di chuyển rất nhanh, nếu gặp xe đi ngược chiều, khả năng phanh kịp là rất thấp, dễ dẫn đến tai nạn. Hành vi này nguy hiểm không kém gì việc uống rượu bia khi lái xe, cần xử phạt thật nghiêm khắc.
Thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho thấy, năm 2023, hệ thống giao thông thông minh đã ghi nhận 74 trường hợp đi lùi hoặc chạy ngược chiều. Đến tháng 10/2024, số vụ việc tương tự gần chạm mốc 70.
Ông Bùi Đình Tuấn - Trưởng ban Khai thác Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết, mặc dù hệ thống giám sát trên một số tuyến cao tốc chưa hoàn thiện, nhưng các trường hợp vi phạm vẫn được phát hiện. Đơn cử, trong năm 2024, cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã ghi nhận 2 trường hợp xe chạy ngược chiều hoặc đi lùi. Ông Tuấn cảnh báo, với tốc độ cao đặc thù của đường cao tốc, hành vi này có thể dẫn đến những tai nạn thảm khốc.
Nâng cao mức xử phạt
Để giảm thiểu tình trạng này, trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt từ 16 - 18 triệu đồng lên 30 - 40 triệu đồng cho hành vi đi lùi, chạy ngược chiều trên đường cao tốc. Đồng thời, áp dụng biện pháp trừ hết 12 điểm trên giấy phép lái xe, thay vì tước giấy phép từ 5 - 7 tháng như trước đây. Mức xử phạt mới kỳ vọng tăng tính răn đe.
Theo Cục Cảnh sát Giao thông, hành vi đi lùi hoặc chạy ngược chiều trên cao tốc không chỉ gia tăng mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng. Do đó, đề xuất nâng mức phạt tiền cùng với các biện pháp nghiêm khắc hơn được kỳ vọng sẽ đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Ủng hộ đề xuất tăng nặng hình phạt, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc quản lý đường cao tốc ở nước ta còn khá mới mẻ, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều. Hành vi lùi xe hoặc đi ngược chiều trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn so với vi phạm nồng độ cồn ở mức nghiêm trọng nhất. Do đó, hành vi này cần được đưa vào nhóm vi phạm hành chính ở mức xử phạt cao nhất, đồng thời trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) ở mức tối đa.
Ông Tạo đề xuất, đối với hành vi chạy ngược chiều trên cao tốc, cần áp dụng hình thức thu hồi GPLX và chỉ cho phép thi lại sau 2 - 3 năm. Hành vi này cực kỳ nguy hiểm, mang tính cố ý vi phạm, không thể coi là hành vi thông thường hay vô ý. Vì vậy, cần được xử lý ở mức độ hình sự, với mức án tối thiểu là 3 tháng tù giam hoặc 3 tháng tù treo để tạo tính răn đe.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, hành vi đi ngược chiều trên cao tốc thể hiện sự coi thường pháp luật và tính mạng người tham gia giao thông khác. Nếu không có chế tài đủ mạnh, những hành vi này sẽ tiếp tục tái diễn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ông đề nghị các cơ quan chức năng sửa đổi luật theo hướng tăng cường mức xử phạt, bao gồm cả xử lý hình sự đối với hành vi đặc biệt nguy hiểm này, nhằm ngăn ngừa các thảm họa giao thông trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng nhấn mạnh, trên cao tốc với tốc độ cho phép từ 80-120km/h, hành vi đi ngược chiều hoặc lùi xe là cố ý vi phạm pháp luật và có thể gây ra tai nạn thảm khốc. Để ngăn chặn tái diễn các vi phạm, cần tăng cường tuyên truyền về quy định pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện trên cao tốc cho người dân và các doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, cần nâng cao năng lực giám sát và xử phạt vi phạm, bởi phạt nặng chính là một hình thức tuyên truyền hiệu quả.
Theo ông, hành vi đi lùi và chạy ngược chiều trên cao tốc cần được đưa vào nhóm vi phạm đặc biệt nguy hiểm, có thể truy tố hình sự để đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc, hướng tới một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các biện pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông thông qua tuyên truyền và giáo dục. Các chiến dịch truyền thông về an toàn giao thông trên cao tốc và các chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cần được triển khai rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ hơn về những nguy hiểm tiềm ẩn khi vi phạm và cùng nhau chung tay đảm bảo an toàn giao thông.
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 9.000 km đường cao tốc vào năm 2030, đồng nghĩa với việc giao thông cao tốc sẽ ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng. Điều này đòi hỏi người tham gia giao thông cần có ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật. Để đạt được mục tiêu đó, việc xây dựng và áp dụng các chế tài đủ mạnh là điều cần thiết.
Đề xuất nâng mức xử phạt lên 30-40 triệu đồng, kết hợp với việc trừ toàn bộ điểm trên giấy phép lái xe, là một biện pháp quan trọng nhằm tăng tính răn đe, hạn chế các vi phạm như đi lùi hoặc chạy ngược chiều trên cao tốc. Điều này không chỉ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân mà còn góp phần xây dựng một môi trường giao thông văn minh, an toàn hơn.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/can-ngan-moi-nguy-hiem-tu-hanh-vi-di-lui-hoac-chay-nguoc-chieu-tren-cao-toc-8130.html