Nỗi niềm phía sau những căn phòng trọ chật chội của công nhân

Hàng triệu công nhân tại các khu công nghiệp đang phải sống xa con, chật vật với mức thu nhập thấp và điều kiện sống bấp bênh. Trong khi đó, con em họ thiếu thốn tình cảm, điều kiện chăm sóc và giáo dục. Mong muốn được ở gần con, có nhà ở xã hội và một cuộc sống ổn định là khát khao chính đáng của nhiều gia đình công nhân.

Tuổi thơ thiếu thốn

Trong những khu nhà trọ tạm bợ xung quanh các khu công nghiệp, không khó để bắt gặp những đứa trẻ lủi thủi chơi một mình, tự chăm sóc bản thân trong khi cha mẹ vắng nhà. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Liên – công nhân khu công nghiệp Quang Minh (Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Con gái chị mới học lớp 4 nhưng đã quen với cảnh sống một mình trong căn nhà.

Là mẹ đơn thân, chị Liên làm việc 14 năm tại công ty với thu nhập khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Để có thể trang trải cuộc sống cho hai mẹ con, chị buộc phải làm thêm việc bỏ mối chè cho các hàng quán sau giờ làm, khiến quỹ thời gian dành cho con gái gần như không có. Bé phải tự lo mọi thứ, từ ăn uống đến việc học hành.

cong-nhan-1732450372.jpg
Nhiều đứa trẻ có bố mẹ làm công nhân đã quen với cảnh tự lập, từ ăn uống đến học hành

Chị Trần Thị Thảo - công nhân tại quận 12 (TP. HCM) chia sẻ, từ khi lập gia đình, cả gia đình bốn người chưa từng có một chuyến tham quan hay nghỉ mát chung. Con gái lớn của chị giờ đã là sinh viên năm hai, nhưng từ nhỏ đến lớn, hai đứa con chị đã quen với cảnh bố mẹ quanh năm tất bật, chỉ đủ tiền để lo cái ăn, cái học.

Chị Thảo bảo, dẫu biết con cái có thiệt thòi, nhưng với thu nhập thấp và giá cả ngày càng leo thang, vợ chồng chị chỉ có thể hy vọng con cái mình học hành tử tế để sau này không phải sống đời công nhân ở trọ như bố mẹ.

Tình trạng thiếu thốn không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Nhiều gia đình công nhân buộc phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, khiến cha mẹ và con cái thiếu sự gắn kết. Theo khảo sát năm 2023 tại 10 tỉnh, thành phố lớn, có đến 40% lao động nữ di cư có con trong độ tuổi mầm non và gần 30% có con ở bậc phổ thông phải gửi con về quê. Những đứa trẻ này không chỉ thiếu sự gần gũi của cha mẹ mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và giải trí cơ bản.

Mong ước có nhà ở xã hội và sống gần con

Theo khảo sát của Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện cả nước có 431 khu công nghiệp với khoảng 4,16 triệu lao động, phần lớn là công nhân trẻ nhập cư. Thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài và chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã đẩy cuộc sống của họ vào cảnh bấp bênh. Đặc biệt, vấn đề thiếu trường lớp gần nơi ở, thiếu nhà trẻ và dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ khiến nhiều gia đình công nhân phải loay hoay trong việc cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.

Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo đề án "Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con", Ban Nữ công đã công bố nhiều con số đáng lo ngại. Trong số những người lao động được khảo sát, chỉ 3,2% có khả năng tích lũy tài chính, trong khi 72,2% phải sống tiết kiệm mà vẫn không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Thu nhập của họ phần lớn dao động ở mức từ 6 - 8 triệu đồng/tháng (chiếm 38,5%), với chỉ 9,5% đạt mức trên 10 triệu đồng/tháng.

cong-nhan-1-1732450373.jpg
Hiện nay, tình trạng thiếu cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp vẫn phổ biến

Đặc biệt, trong mối quan hệ với con cái, người lao động di cư gặp muôn vàn khó khăn. 65% trẻ em là con công nhân thiếu thốn tình cảm cha mẹ do họ phải tăng ca, làm thêm giờ. Thời gian cha mẹ dành cho con trung bình chỉ từ 1 - 4 giờ mỗi ngày và nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Những trẻ em này thường bị thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và vui chơi giải trí phù hợp.

Một bất cập lớn khác là tình trạng thiếu cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp. Như tại Đồng Nai, nơi có 33 khu công nghiệp với 60% lao động nhập cư, chỉ có 6 trường mầm non công lập và 4 doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ. Ở TP. HCM, chỉ 15% nhu cầu được đáp ứng bởi các cơ sở công lập, trong khi 85% phụ thuộc vào trường tư thục, với chi phí cao gấp 5-9 lần mức học phí ở trường công. Ngoài ra, thời gian giữ trẻ không phù hợp với giờ làm việc tăng ca của công nhân, gây thêm áp lực cho các gia đình.

Trong bối cảnh ấy, mong muốn được ở gần con và có một cuộc sống ổn định trở thành nguyện vọng lớn nhất của công nhân tại các khu công nghiệp. Theo khảo sát, 21,3% công nhân mong muốn con cái được sống cùng cha mẹ, 46,6% hy vọng có mức thu nhập đủ sống và 23,5% mong được mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Đây không chỉ là nhu cầu cơ bản mà còn là lời kêu gọi sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan chức năng.

Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng Ban Nữ công cho biết, Đề án "Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con" dự kiến triển khai giai đoạn 2025 - 2028. Đề án đặt mục tiêu cải thiện điều kiện sống và chăm sóc con cái của công nhân, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xây dựng một môi trường lao động bền vững hơn.

Những chính sách như xây dựng thêm nhà ở xã hội, mở rộng hệ thống trường lớp gần khu công nghiệp và tổ chức dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ không chỉ giúp công nhân giảm bớt gánh nặng mà còn mang lại một tuổi thơ trọn vẹn hơn cho con em họ. Đây là lời hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn, nơi cha mẹ và con cái không còn phải chịu cảnh xa cách và thiệt thòi như hiện nay.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/noi-niem-phia-sau-nhung-can-phong-tro-chat-choi-cua-cong-nhan-8140.html