Người lao động thiệt đủ đường
Sau hơn 6 năm làm việc tại Công ty CP U.H (TP. Thủ Đức, TP. HCM), đến khi chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 1/2023, ông B.V.H - một nhân viên lái xe chở hàng, không chỉ phải đối mặt với việc bị nợ lương mà còn bị nợ đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Việc này khiến cuộc sống của ông H. trở nên khó khăn.
Để đòi lại quyền lợi, ông H. đã khởi kiện công ty ra tòa và thắng kiện. Công ty buộc phải trả 1 lần toàn bộ khoản nợ lương và đóng BHXH, BHYT, BHTN cho ông. Tuy nhiên, dù công ty có nghiêm túc thi hành bản án, ông H. vẫn không thể nhận được trợ cấp thất nghiệp vì đã quá thời hạn đăng ký, theo quy định là không quá 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Tương tự, bà Mai Thị Thương (tỉnh Bạc Liêu) đã đóng BHTN trong 2 năm nhưng cũng không thể hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc. Bà Thương làm việc tại Công ty CP Vật tư Nông nghiệp B.L từ năm 2017 đến 2019. Sau khi giám đốc công ty đột ngột qua đời vào tháng 12/2019, công ty ngừng hoạt động từ tháng 1/2020 cho đến nay.
Vì không có người đại diện, công ty chưa thể nộp hồ sơ đề nghị ngừng hoạt động cho cơ quan thẩm quyền, cũng như không thể gửi hồ sơ báo giảm lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội để chốt sổ và giải quyết chế độ cho người lao động. Do đó, bà Thương và nhiều lao động khác của công ty vẫn chưa được nhận bất kỳ chế độ nào khi nghỉ việc.
Thời gian qua, dù cơ quan bảo hiểm xã hội và các đơn vị chức năng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng chậm và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, với mức bình quân trên 10.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, việc chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm trong thời gian dài đã gây khó khăn trong việc thu hồi nợ và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, bao gồm cả quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất tạm ứng trợ cấp
Tình trạng trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là vấn đề của cá nhân người lao động mà còn là vấn đề lớn cần được giải quyết từ góc độ chính sách. Tại phiên thảo luận dự án Luật Việc làm sửa đổi sáng 27/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về tình trạng này và những bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi gặp phải trường hợp bị trốn đóng bảo hiểm.
Dự thảo luật quy định, nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thì khi thôi việc, người lao động có thể tự đóng phần còn thiếu để được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Sau khi thu hồi được số tiền doanh nghiệp trốn đóng hoặc chậm đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hoàn trả lại số tiền đó cho người lao động.
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, trợ cấp thất nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, với mức tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, việc yêu cầu người lao động tự đóng bù bảo hiểm bị nợ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và gây bức xúc. Bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động và là nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không đóng bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội nên tạm ứng bảo hiểm cho người lao động, và sau đó doanh nghiệp phải hoàn trả kèm lãi suất.
Bà cũng kiến nghị bổ sung quy định buộc doanh nghiệp bồi thường cho người lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp. Dự luật cần nâng mức chế tài xử phạt đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng hoặc gian lận trong kê khai mức lương. Chính phủ nên quy định thời gian tối đa cho phép chậm đóng trước khi xử phạt, tránh tình trạng kéo dài và gây bất lợi cho người lao động.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam cho biết khi mất việc, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bà cho rằng yêu cầu họ phải tự đóng bù tiền bảo hiểm thất nghiệp là không hợp lý, bởi số tiền này hàng tháng đã được trừ từ lương của họ.
Bà Trinh cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đề nghị trích từ quỹ bảo hiểm xã hội hoặc quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động hưởng chế độ sớm nhất, đồng thời thu hồi số tiền chậm đóng hoặc trốn đóng từ doanh nghiệp để hoàn trả cho quỹ.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tam-ung-tro-cap-giup-dam-bao-quyen-loi-nguoi-lao-dong-khi-bi-tron-dong-bao-hiem-that-nghiep-8207.html