Úc ban hành lệnh cấm mạng xã hội với trẻ em dưới 16 tuổi

Chính quyền Úc vừa chính thức phê duyệt lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Quyết định được đưa ra sau một cuộc tranh luận gay gắt và kéo dài, đầy cảm xúc trên khắp nước này.

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết, luật này hỗ trợ các bậc phụ huynh lo ngại về tác hại trực tuyến đối với con em họ. Ông nói với các phóng viên rằng: “Các nền tảng hiện có trách nhiệm xã hội trong việc đảm bảo sự an toàn của trẻ em, đó phải là ưu tiên hàng đầu của họ”.

Luật mới sẽ buộc các công ty công nghệ lớn bao gồm Meta – chủ sở hữu Instargram và Facebook, Bytedance – chủ sở hữu TikTok và X có biện pháp ngăn chặn trẻ vị thành niên đăng nhập vào các nền tảng của mình. Nếu không tuân thủ, các nền tảng này có thể sẽ phải đối diện với khoản phạt lên tới 32 triệu USD. Một thử nghiệm về các phương thức thực thi sẽ được bắt đầu vào tháng 1, sau đó lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực sau 1 năm.

images-1732838622.jpg

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm mạng xã hội đối với người dưới 16 tuổi.

Việc Úc trở thành quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi tham gia vào mạng xã hội đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước khác, được xem như một thử nghiệm để các chính phủ có thể học tập theo. Việc ban hành quy định mới nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Khác với các quốc gia khác gồm Pháp và một số tiểu bang của Mỹ đã thông qua luật hạn chế trẻ vị thành niên truy cập mạng xã hội mà không có sự cho phép của cha mẹ. Với lệnh cấm ở Úc, nó là luật và được yêu cầu phải tuân thủ tuyệt đối.

Các lệnh cấm, hạn chế trẻ em tham gia mạng xã hội hiện vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới. Trước đó, lệnh cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội tại bang Florida của Mỹ cũng gặp thách thức tại tòa án vì liên quan đến quyền tự do ngôn luận.

Trước khi được ban hành thành luật, lệnh cấm tại Úc cũng đã vấp phải sự phản đối từ những người ủng hộ quyền riêng tư và một số nhóm quyền trẻ em. Sau những nỗ lực đấu tranh, kết quả khảo sát cho thấy 77% dân số muốn có lệnh này.

Cuộc điều tra kéo dài đến năm 2024 đã lắng nghe những ý kiến, thu thập bằng chứng từ các bậc cha mẹ của những đứa trẻ đã tự hại mình do bị bắt nạt trên mạng xã hội. Các phương tiện truyền thông trong nước do tòa soạn báo lớn nhất nước News Corp đã ủng hộ lệnh cấm. Họ đã phát động một chiến dịch mang thông điệp: “Hãy để chúng được là trẻ con”.

Úc cũng là nước đầu tiên yêu cầu các mạng xã hội trả tiền bản quyền cho các nhà xuất bản, các tờ báo để có quyền chia sẻ nội dung và hiện đang có kế hoạch sẽ xử phạt nếu các mạng xã hội không dập tắt được các vụ lừa đảo trên nền tảng của mình.

Người phát ngôn của Meta cho biết, công ty tôn trọng luật pháp Úc, nhưng lo ngại về quy trình này. Theo họ, quy định mới đã “vội vã thông qua luật trong khi không xem xét đúng mức bằng chứng, những gì ngành công nghiệp này đã làm để đảm bảo trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi và tiếng nói của người trẻ tuổi".

Đại diện của TikTok và X đều đang im lặng về vấn đề này.

Các công ty khác, bao gồm Alphabet – với nền tảng YouTube được miễn trừ vì được sử dụng rộng rãi trong trường học. Tuy nhiên công ty này cũng lập luận rằng Luật nên được cân nhắc thêm về độ tuổi bị cấm.

mxh-1732838705.webp

Các mạng xã hội sẽ có 1 năm để tìm ra giải pháp ngăn chặn người dưới 16 tuổi truy cập vào mạng xã hội.

Một số nhóm ủng hộ thanh thiếu niên và các học giả khác đã cảnh báo lệnh cấm có thể ngăn cản những người trẻ dễ bị tổn thương nhất, bao gồm LGBTQIA và thanh thiếu niên nhập cư khỏi các mạng lưới hỗ trợ. Ủy ban Nhân quyền Úc cho biết, luật này có thể xâm phạm quyền con người của những người trẻ tuổi bằng cách can thiệp quyền tham gia vào xã hội của họ.

Trong khi đó, những người ủng hộ quyền riêng tư cảnh báo, luật này có thể dẫn đến việc thu thập dữ liệu cá nhân nhiều hơn, mở đường cho hoạt động giám sát nhà nước dựa trên nhận dạng kỹ thuật số.

Tuy vậy, trong các nhóm phụ huynh lại có ý kiến ngược lại. Họ cho rằng mạng xã hội đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đến mức cần phải đưa ra cảnh báo về sức khỏe.

“Đặt ra giới hạn độ tuổi và trao quyền kiểm soát cho cha mẹ, tôi nghĩ đó là thời điểm khởi đầu”, Ali Halkic, một người ủng hộ chống bắt nạt tại Úc cho biết rằng cậu con trai 17 tuổi của ông đã tự tử vào năm 2009 sau khi bị bắt nạt trên mạng xã hội. 

Enie Lam, một học sinh Sydney vừa tròn 16 tuổi cho biết, mạng xã hội góp phần gây ra các vấn đề về hình thể và bắt nạt trên mạng nhưng lệnh cấm hoàn toàn có thể đẩy những người trẻ tuổi đến những nơi ít được chú ý và nguy hiểm hơn trên Internet.

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/uc-ban-hanh-lenh-cam-mang-xa-hoi-voi-tre-em-duoi-16-tuoi-8235.html