Bỏ đấu giá sau khi trả 30 tỷ đồng/m2 vì "sợ quá": Có dấu hiệu vi phạm quy định

Một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hành động trả giá cao rồi rút lui khỏi phiên đấu giá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người thực sự có nhu cầu mua đất. Vì vậy, ban tổ chức đã tiến hành niêm phong toàn bộ hồ sơ và phiếu trả giá, đồng thời chuyển giao cho cơ quan công an để điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến với diện tích từ 90 – 224m², giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m², tương đương số tiền đặt trước dao động 223 – 550 triệu đồng/lô.

Có dấu hiệu “phá” phiên đấu giá

Theo quy chế, cuộc đấu giá diễn ra trực tiếp và phải trải qua ít nhất 6 vòng, người đưa ra giá cao nhất ở vòng 6 sẽ giành quyền trúng đấu giá. Trong phiên đấu giá, nhiều người đã trả rất cao ở các vòng trước, có lô lên tới hơn 100 triệu đồng/m² và thậm chí có hai lô đạt mức 30 tỷ đồng/m².

Tuy nhiên, đến vòng 6, những lô đất được trả giá 30 tỷ đồng/m2 lại trả về mức 0 đồng và xin rút khỏi phiên đấu giá. Cuối cùng, chỉ có 22/58 lô đất được đấu trúng, mức giá dao động từ 32 - 50 triệu đồng/m². Tất cả những người "hét" giá cao ở vòng 5 đều đã xin dừng trả giá ở vòng 6. 

Theo một người trực tiếp tham gia phiên đấu giá, giá trung bình của các lô đất tại khu vực này chỉ khoảng 35 - 40 triệu đồng/m². Tuy nhiên, các hội nhóm tham gia lần này trả giá mang tính bộc phát không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn làm tổn hại hình ảnh các phiên đấu giá đất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.

“Cơ quan chức năng cần rà soát kỹ lưỡng phiên đấu giá này, đây là hành vi có tổ chức, cố tình vi phạm và coi thường pháp luật”, người này cho biết.

dau-gia-30-ty-1732943381.jpg
Đến vòng 6 người trả giá 30 tỷ đồng/m2 bất ngờ xin rút khỏi phiên đấu giá

Một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, một số khách hàng có dấu hiệu "phá" phiên đấu giá. Việc đến bước quyết định người trúng đấu giá, họ trả giá 0 đồng, không tham gia phiên đấu giá nữa đã làm ảnh hưởng đến những người thực sự có nhu cầu, vì giá đã được đẩy lên quá cao.

"Đã xuất hiện một số nhóm đầu cơ đất tại Sóc Sơn tham gia đấu giá nhằm đẩy giá đất lên cao để chuyển nhượng các lô đất mà họ đang nắm giữ trong khu vực," vị lãnh đạo này cho biết. Do có dấu hiệu vi phạm quy định, ban tổ chức đã niêm phong toàn bộ hồ sơ và phiếu trả giá, sau đó chuyển cho cơ quan công an để điều tra và xử lý theo pháp luật.

Vào tháng 3/2024, một phiên đấu giá đất tại Hoài Đức đã bị hủy do phát hiện dấu hiệu sai phạm. Trong vòng 1 của phiên đấu giá, 15/33 thửa đất bị đẩy giá lên tới 100 – 180 triệu đồng/m², mặc dù mức khởi điểm chỉ dao động từ 57 - 62 triệu đồng/m².

Đến vòng 2, người trả giá cao nhất cố tình không tiếp tục trả giá, dẫn đến việc bị truất quyền, tạo điều kiện cho những người trả giá thấp hơn ở vòng 1 giành chiến thắng. Trước tình trạng này, ban tổ chức nhận định có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu giá tài sản. Toàn bộ hồ sơ đăng ký và phiếu trả giá đã được niêm phong, chuyển giao cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Quyết định hủy bỏ phiên đấu giá được căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá Tài sản năm 2016, quy định nghiêm cấm các hành vi cản trở hoạt động đấu giá, gây rối hoặc làm mất trật tự tại cuộc đấu giá. Nếu phát hiện những hành vi này, phiên đấu giá buộc phải dừng lại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá Tài sản năm 2016.

Nhiều phiên đấu giá gây mất niềm tin

Trước đây, Hà Nội cũng từng ghi nhận trường hợp trả giá nhầm lên tới 4,28 tỷ đồng/m² trong một phiên đấu giá tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh. Người này sau đó giải thích rằng do căng thẳng lần đầu tham gia đấu giá, đã ghi nhầm mức giá. Ông cũng xin hoàn lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận, sau khi xem xét nhận thấy không có dấu hiệu tính toán hay cố tình sai sót gây hiểu nhầm.

dau-gia-huyen-soc-son-1732943487.jpg
Ban tổ chức đã tiến hành niêm phong toàn bộ hồ sơ và phiếu trả giá, đồng thời chuyển giao cho cơ quan công an để điều tra và xử lý theo quy định pháp luật

Trong thời gian qua, các phiên đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội đã khiến thị trường bất động sản “náo loạn” khi lượng khách hàng tham gia lên đến hàng nghìn người, mức giá trúng cũng liên tục lập kỷ lục như tại Hoài Đức hơn 133 triệu đồng/m² hay Thanh Oai hơn 100 triệu đồng/m². Tuy nhiên, tại Thanh Oai, khoảng 80% người trúng đấu giá không nộp tiền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi cuối tháng 8 đã chỉ đạo các địa phương rà soát công tác đấu giá đất, nhằm xử lý những bất thường khi giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Ông nhấn mạnh, tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và thị trường bất động sản. Các bộ, ngành và TP Hà Nội sau đó đã ban hành nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Một số huyện cũng tạm dừng đấu giá để rà soát quy trình và thủ tục pháp lý.

Hà Nội yêu cầu hạn chế đấu giá đất cho cá nhân tự xây nhà, thay vào đó ưu tiên tổ chức làm dự án để tăng hiệu quả sử dụng đất. Thành phố cũng đề nghị các huyện lập danh sách những trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền và công khai thông tin này. Đồng thời, công an thành phố được giao nhiệm vụ phát hiện và xử lý các vi phạm.

Từ cuối tháng 10, các phiên đấu giá tại ngoại thành đã bắt đầu được tổ chức lại sau quá trình rà soát. Tuy nhiên, hoạt động này đã giảm nhiệt đáng kể, như tại Hoài Đức, lượng người tham gia giảm 3 – 4 lần so với trước đó. Từ đầu năm đến hết tháng 9, Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, tăng so với 9.200 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bo-dau-gia-sau-khi-tra-30-ty-dongm2-vi-so-qua-co-dau-hieu-vi-pham-quy-dinh-8256.html