Mục tiêu của Nghị quyết là đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án xây dựng ít nhất hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.
Quyết tâm với mục tiêu NOXH
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chương trình sẽ giải ngân tổng số 100.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Kế hoạch phân bổ vốn cho từng năm được xác định: giai đoạn 2025 – 2029 mỗi năm giải ngân 16.500 tỷ đồng và năm 2030 khoảng 17.500 tỷ đồng.
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình triển khai nguồn vốn ưu đãi này. Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất và nâng thời gian vay ưu đãi để khuyến khích phát triển NOXH.
Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn NOXH trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cần một nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho vay đầu tư và mua NOXH với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất thương mại bình quân của bốn ngân hàng thương mại nhà nước.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này vẫn còn rất thấp, do lãi suất và điều kiện vay chưa thực sự hấp dẫn đối với người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Trước tình trạng này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi trị giá khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó có 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Dù vậy, Bộ Xây dựng cho rằng việc giao các địa phương bố trí vốn cho phát triển NOXH sẽ gặp nhiều khó khăn, vì các địa phương hiện đang phải thu xếp ngân sách để thực hiện các chương trình khác như xóa nhà tạm và nhà dột nát.
Tại một buổi tọa đàm về NOXH diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách Tín dụng Agribank, cho biết cả nước hiện có hơn 80 dự án nhà ở xã hội được công bố tại 36 tỉnh, thành phố. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn sẵn có tại các ngân hàng, nhưng khó khăn hiện nay không nằm ở vốn mà là ở nguồn cung NOXJ. Để tăng số lượng dự án, các địa phương cần thực hiện khảo sát và đánh giá nhu cầu của người dân một cách chặt chẽ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân thấp của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chủ yếu xuất phát từ việc thiếu nguồn cung nhà ở và các vấn đề pháp lý chưa được hoàn thiện tại các dự án. Ông Lệnh khẳng định, các ngân hàng không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi cho NOXH.
Những thách thức sẽ dần được hóa giải
Thực tế, theo số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, báo cáo từ các địa phương cho thấy từ đầu năm 2024 đến cuối quý III/2024, cả nước chỉ có 8 dự án NOXH được triển khai, với quy mô khoảng 4.960 căn hộ. Tính từ năm 2021 đến nay, chỉ có 42.414 căn NOXH được đưa ra thị trường. Con số này cho thấy mục tiêu của đề án xây dựng 1 triệu căn vẫn còn rất xa.
Một ví dụ cụ thể là dự án NOXH Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), được đưa vào kế hoạch triển khai và được xem là một trong những dự án trọng điểm của thành phố từ nhiều năm trước. Theo kế hoạch, dự án dự kiến xây dựng và hoàn thành từ quý III/2018 đến quý II/2021. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Chủ đầu tư cho biết các điều kiện nguồn lực đã sẵn sàng, các thủ tục pháp lý cơ bản hoàn thành, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề giải phóng mặt bằng, do còn một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, cho biết công ty hiện sở hữu hai khu đất tại Lĩnh Nam và Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cả hai đã được nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cao tầng.
Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương mới chấp thuận chủ trương công nhận chủ đầu tư cho dự án tại Lĩnh Nam, trong khi dự án ở Vĩnh Hưng vẫn chưa được phê duyệt. Lý do được đưa ra là khu đất tại Vĩnh Hưng nằm ở vị trí đắc địa, được coi là "đất vàng", nên nếu làm nhà ở xã hội, Thành phố sẽ không thu được tiền sử dụng đất.
Tình trạng như dự án Thượng Thanh, hay của Tập đoàn Hòa Bình không phải là cá biệt tại Hà Nội mà còn phổ biến ở nhiều địa phương khác. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quy trình giao đất phức tạp, cùng với tâm lý e ngại trách nhiệm của một số cơ quan, ban ngành, dẫn đến việc không dám thực hiện.
Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển dự án, và nhà dân. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò đầu tàu, giữ vị trí chủ đạo trong việc xây dựng cơ chế và chính sách toàn diện, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai dự án một cách tự tin và hiệu quả hơn.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chinh-phu-du-kien-chi-16500-ty-dong-moi-nam-cho-phat-trien-nha-o-xa-hoi-8276.html