Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và bài học từ Trung Quốc, Nhật Bản

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch cảnh báo, tình trạng ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân miền Bắc bắt đầu gọi mùa đông là "mùa ô nhiễm". Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn phát thải mới, các chất ô nhiễm mới…

Xuất hiện chất ô nhiễm mới

Những ngày cuối tháng 11/2024, Hà Nội liên tục đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội thường xuyên vượt ngưỡng 200, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính.

Ngoài yếu tố thời tiết, nhiều tuyến phố đang bị đào bới, sửa chữa cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với đó, các xe chở vật liệu xây dựng hoạt động nhộn nhịp, đặc biệt vào ban đêm, làm tăng lượng bụi phát tán trong không khí.

o-nhiem-1733100070.png
Điều kiện khí tượng trong thời gian tới sẽ làm tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội trầm trọng hơn

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu do bụi PM2.5 - "sát thủ vô hình". Loại bụi này khó nhận biết trực quan và tác hại đến sức khỏe thường chỉ biểu hiện sau một thời gian dài. Việc đo lường cần đến các thiết bị phức tạp. Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội ghi nhận mức dao động 26-52 μg/Nm³, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,1 - 2,1 lần.

Ô nhiễm không chỉ xảy ra ở nội đô mà còn lan rộng ra các khu vực ngoại thành như Kim Bài (Thanh Oai), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Vân Đình (Ứng Hòa), nơi chỉ số AQI thường vượt mức cho phép. Đặc biệt, tại Kim Bài, chỉ số AQI lên đến 150.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu, điều kiện khí tượng trong thời gian tới sẽ làm tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội trầm trọng hơn. Lượng khí thải từ phương tiện giao thông và công nghiệp, đặc biệt là CO và NO2, sẽ bị tích tụ gần mặt đất do hiện tượng nghịch nhiệt.

Vào ban đêm, nhiệt độ bề mặt đất giảm xuống khoảng 18-19°C, bằng nhiệt độ ở tầng khí quyển từ 500-1000m, khiến không khí không được lưu thông theo chiều dọc. Đồng thời, thiếu gió ngang ở độ cao 1500m (850hPa) khiến khí ô nhiễm ban ngày bị đẩy lên cao nhưng ban đêm lại lắng xuống gần mặt đất khiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân miền Bắc bắt đầu gọi mùa đông là "mùa ô nhiễm". Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn phát thải mới, các chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện. Mặc dù vấn đề ô nhiễm không khí đã được chú ý từ nhiều năm trước, nhưng thực tế chất lượng không khí ngày càng xấu đi, cho thấy các biện pháp hiện tại vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Bài học từ các nước

Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý ô nhiễm không khí của các nước, trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên cho hay, Bắc Kinh (Trung Quốc) với dân số hơn 20 triệu người, từng tiêu thụ lượng than khổng lồ, đặc biệt vào mùa đông khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao khiến chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng.

Năm 1998, chính quyền thành phố đã khởi động chiến dịch chống ô nhiễm không khí, bắt đầu từ việc kiểm soát đốt than và khí thải phương tiện giao thông. Đến năm 2013, các biện pháp được đẩy mạnh hơn, tập trung vào cải tiến lò hơi, sử dụng nhiên liệu sạch và tái cơ cấu ngành công nghiệp.

o-nhiem-1-1733100070.png
Kinh nghiệm từ Bắc Kinh có thể giúp Hà Nội phần nào xử lý được tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng

Nhờ đó, giai đoạn 2013 - 2017, nồng độ PM2.5 giảm 35%, khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc giảm 25%. Các khí thải độc hại như SO2, NOX và PM10 cũng giảm từ 43% đến 83%. Các chính sách nổi bật gồm kiểm soát chặt chẽ tiêu thụ than, giảm phương tiện cá nhân, khuyến khích xe điện, tái cấu trúc công nghiệp, trồng rừng, phát triển giao thông công cộng và hợp tác liên vùng.

Bốn bài học lớn từ Bắc Kinh gồm đầu tư mạnh mẽ để giảm ô nhiễm; kiểm soát giao thông và công nghiệp; mở rộng không gian xanh; minh bạch thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng. Những biện pháp này ghi nhận hiệu quả tích cực khi trong một thập kỷ, mức ô nhiễm PM2.5 tại Bắc Kinh giảm hơn 60%.

Trong khi đó, Hà Nội đang gặp khó khăn với các chương trình môi trường do hạn chế về tài chính. Hà Nội với hơn 7 triệu phương tiện giao thông và nhiều nhà máy công nghiệp chưa được di dời khỏi nội đô, cần tăng cường kiểm soát khí thải, áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và khuyến khích sử dụng xe điện. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoại thành như đã đề ra từ năm 2015.

Về không gian xanh, thành phố cần bổ sung thêm công viên, khu vực công cộng trong nội đô, mở rộng diện tích trồng cây xanh tại ngoại ô nhằm cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững.

Tại Nhật Bản, vấn đề ô nhiễm không khí cũng được giải quyết rất nghiêm khắc. Năm 1968, Nhật Bản ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí, thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí và giới hạn phát thải đối với các chất ô nhiễm từ nguồn công nghiệp. Luật yêu cầu doanh nghiệp áp dụng công nghệ giảm thiểu ô nhiễm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.

Đến năm 1993, Luật Môi trường chính thức ra đời, cung cấp khung pháp lý toàn diện cho bảo vệ môi trường tại Nhật Bản, bao gồm kiểm soát ô nhiễm không khí từ công nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chính phủ Nhật Bản còn triển khai các chương trình giám sát và kiểm soát ô nhiễm tại các khu công nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch và tuân thủ tiêu chuẩn phát thải. Nhờ các biện pháp này, lượng phát thải SO2 và NO2 từ công nghiệp đã giảm đáng kể, góp phần cải thiện chất lượng không khí và giảm tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, tối ưu hóa hiệu quả năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, các chiến dịch giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường không khí, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là bài toán sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Do đó, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, sự quyết tâm và cam kết từ chính quyền cùng người dân sẽ quyết định thành công của Hà Nội trong cuộc chiến này. Đây là thời điểm Hà Nội cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, bảo vệ quyền lợi được sống trong môi trường trong lành.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-va-bai-hoc-tu-trung-quoc-nhat-ban-8286.html