Ưu tiên phương pháp đốt rác phát điện
Theo số liệu từ Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố năm 2023, Việt Nam phát sinh khoảng 19 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi năm, trong đó khoảng 12,8 triệu tấn là từ các đô thị. Lượng rác thải này đang gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tạo sức ép lớn đối với xã hội.
Như tại Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày phát sinh hơn 6.000 tấn rác, trong đó đến 90% phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tại TP. HCM, tỷ lệ chôn lấp cũng lên đến 69%. Việc chôn lấp rác thải ở tỷ lệ cao không chỉ gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn tạo ra những khó khăn trong quản lý và xử lý chất thải.
Trong bối cảnh này, việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện (WtE) trở thành một giải pháp cần thiết. Đây không chỉ là phương án hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn góp phần sản xuất năng lượng bền vững và nâng cao chất lượng quản lý chất thải tại các đô thị.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost và khoảng 1.207 bãi chôn lấp, nhiều trong số đó không đạt chuẩn vệ sinh. Một số cơ sở đã áp dụng phương pháp đốt kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện hoặc kết hợp đốt và chôn lấp để sản xuất phân compost.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện vẫn có khoảng 64% lượng rác thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Khoảng 16% lượng rác được xử lý bằng phương pháp sản xuất phân compost, 20% được xử lý bằng phương pháp đốt (9,3% thu hồi năng lượng, 10,7% đốt không thu hồi năng lượng).
Những năm gần đây, phương pháp đốt rác phát điện đã được lựa chọn như một giải pháp ưu tiên. Nhiều địa phương như Cần Thơ, Hà Nội và Bắc Ninh... đã đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy WtE với công suất lớn. Đặc biệt, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Lý tại Sóc Sơn (Hà Nội), với công suất 5.000 tấn rác/ngày và công suất phát điện 75 MW, là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam và thuộc top 5 nhà máy lớn nhất thế giới.
Hà Nội còn đặt mục tiêu, toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn sẽ được đốt để phát điện vào năm 2025. Còn TP. HCM cũng quyết tâm chuyển toàn bộ rác tại bãi rác Đa Phước sang mô hình đốt phát điện sau năm 2025.
Kiểm soát khí và bụi từ nhà máy điện rác
WtE từ lâu đã được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển như một giải pháp đối phó với tình trạng rác thải gia tăng. Công nghệ này sử dụng rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu đốt để sản xuất điện, nhưng cũng sinh ra nhiều loại khí thải độc hại như NOx, CO2, HCl, HF, SO2, VOCs, kim loại nặng, bụi, đặc biệt là chất cực độc Dioxin/Furan. Do đó, các quốc gia này đã thiết lập những quy định rất nghiêm ngặt nhằm kiểm soát khí và bụi thải từ các nhà máy WtE.
Trao đổi trên báo Tiền Phong, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, các nhà máy WtE được xem là nguồn phát thải mới tại Việt Nam, hàng giờ thải ra hàng trăm nghìn m³ khí thải, trong đó có Dioxin/Furan. Đáng chú ý, nhiều nhà máy WtE thường được đặt gần khu đô thị hoặc thành phố lớn, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí và tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân sống xung quanh.
Do đó, việc giám sát chặt chẽ và xây dựng các quy định nghiêm ngặt trong vận hành loại hình nhà máy này là yêu cầu cấp thiết để vừa khai thác lợi ích của WtE vừa đảm bảo an toàn môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, để kiểm soát phát thải từ các nhà máy đốt rác phát điện (WtE), Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quản lý, bao gồm quy hoạch môi trường, đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn phát thải, cấp giấy phép môi trường, quan trắc tự động, thanh tra, kiểm tra và công khai thông tin.
Tuy nhiên, khi so sánh với các quốc gia phát triển như EU, Mỹ hay Trung Quốc, công tác kiểm soát ô nhiễm khí bụi thải từ WtE ở Việt Nam còn thiếu sự chặt chẽ và đặc thù. Các quy định hiện hành vẫn mang tính chung chung, thiếu các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt và đặc biệt dành riêng cho loại hình này, đồng thời thiếu các công cụ xử lý và phân tích số liệu quan trắc tự động, gây khó khăn trong việc cảnh báo sớm những sự cố bất thường.
Hơn nữa, số liệu quan trắc tự động vẫn chưa được công khai, điều này gây ra lo ngại về sự minh bạch và hiệu quả trong việc giám sát. Ví dụ, hiện nay Việt Nam vẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải sinh hoạt ban hành từ năm 2016. Quy chuẩn này đã được ban hành từ lâu và chỉ phù hợp với các lò đốt có công suất nhỏ, với các quy định giám sát đơn giản. Vì vậy, nó không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát khí thải từ các nhà máy WtE có công suất lớn hiện nay.
Bên cạnh đó, trong giấy phép môi trường - công cụ chính để quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường - vẫn thiếu nhiều quy định quan trọng liên quan đến việc quan trắc tự động nhiệt độ của buồng đốt, đảm bảo nhiệt độ không dưới 850°C khi đốt. Các quy định về việc kiểm soát khởi động, tắt lò và chế độ vận hành cũng chưa được quy định đầy đủ, dẫn đến khả năng phát thải Dioxin/Furan chưa được hạn chế tối đa.
Các số liệu quan trắc tự động gửi về các cơ quan quản lý chưa được xử lý kịp thời, đồng thời thiếu các báo cáo định kỳ về nguyên vật liệu hóa chất sử dụng trong quá trình đốt. Điều này cho thấy sự cần thiết phải cập nhật và hoàn thiện các quy định, đảm bảo việc kiểm soát ô nhiễm khí thải từ WtE một cách hiệu quả và minh bạch hơn.
Tiến sĩ Trịnh Thị Thắm - giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ, để giảm thiểu tác động của chất thải, đặc biệt là khí thải từ các nhà máy đốt rác, cần thực hiện một số giải pháp sau: Đầu tiên, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quan trắc, giám sát khí thải, tro xỉ và tro bay theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đảm bảo các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các công trình xử lý chất thải theo giấy phép môi trường, đồng thời báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường như quy định tại Nghị định số 08/2022. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch kết quả quan trắc khí thải để không chỉ cơ quan quản lý mà còn cộng đồng dân cư, những người chịu tác động trực tiếp, có thể giám sát hoạt động của nhà máy.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra với chế tài xử phạt nghiêm ngặt. Việc vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường, giám sát và quan trắc môi trường, hay việc xả khí thải, bụi vào môi trường có thể bị xử phạt rất nặng, lên tới hàng tỷ đồng.
Thứ tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chú trọng tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là các phòng thí nghiệm môi trường, để có thể làm trọng tài trong công tác quan trắc và giám sát khí thải tại các nhà máy xử lý rác.
Cuối cùng, cần triển khai công tác kiểm kê khí thải một cách đồng bộ, kết hợp giữa việc đánh giá lượng khí thải phát sinh từ nguyên liệu đầu vào và công suất hoạt động của nhà máy, cùng với kết quả quan trắc tự động liên tục và quan trắc định kỳ.
Trong khi đó, tiến sĩ vật lý plasma Doãn Hà Thắng cho rằng, Việt Nam nên tham khảo các bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong quản lý, giám sát hoạt động của các nhà máy điện rác.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lam-sao-de-dam-bao-an-toan-khi-phat-thai-tu-nha-may-dien-rac-8327.html