Công việc bấp bênh, thu nhập thấp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa đưa ra báo cáo tổng quan lao động có việc làm phi chính thức ở Hà Nội giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, đến năm 2023, số lao động phi chính thức tại Hà Nội đã lên tới 1,89 triệu người, tăng 15,3% so với năm trước và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm.
Những lao động này chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có tính chất tạm thời, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như dịch vụ nhỏ lẻ, buôn bán tự do hoặc lao động phổ thông. Phần lớn lao động phi chính thức có trình độ học vấn thấp, hoặc đến từ các khu vực nông thôn.
Ông Lê Văn Trình (huyện Trực Ninh, Nam Định) hiện đang làm bốc vác tại các chợ đầu mối của Hà Nội. Ông Trình cho biết, vợ chồng ông có 5 người con. Trước đây, gia đình ông làm ruộng ở quê, dù cuộc sống không dư dả nhưng cũng đủ lo cho các con. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi hai người con lớn của ông lần lượt vào đại học, chi phí học tập ngày càng tăng, ông phải bắt đầu làm công việc cửu vạn để có thêm thu nhập. Đến nay, ông đã gắn bó với công việc này được 16 năm.
Ông Trình bộc bạch, để có tiền trang trải cuộc sống, anh em cửu vạn phải đánh đổi bằng những giấc ngủ chập chờn, chờ nghe tiếng bánh xe tải vào chợ, chờ tiếng còi gọi… Dù mệt mỏi đến đâu, khi nghe thấy những dấu hiệu đó, ít ai bỏ lỡ. Ông Trình thở dài bảo, nghề cửu vạn đổ mồ hôi là chuyện thường, có người còn đổ cả máu…
Như trong nhóm anh em cửu vạn của ông, thời gian trước, anh Đinh Văn Tuấn (quê huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) không may bị ngã từ xe container khi đang bốc sắt tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Anh Tuấn bị chấn thương sọ não, giờ nằm liệt một chỗ. Nhiều người trẻ, dù có sức khỏe, nhưng do mới vào nghề chưa quen, tối về nhức mỏi không chịu nổi, không ít người phải bỏ nghề và tìm công việc khác.
Còn ông Trần Văn Dũng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã hơn 60 tuổi nên không đủ điều kiện để đăng ký xe ôm công nghệ. Mỗi ngày ông đều dậy từ 5 giờ sáng để ra ngã tư Trôi (thị trấn Trạm Trôi) đón khách. Ông Dũng cho biết, từ 5 - 8 giờ sáng là thời gian người dân có nhu cầu đi lại cao, vì vậy ông phải tranh thủ đón khách. Bữa sáng của ông thường chỉ là xôi, mỳ tôm, thậm chí có khi chỉ là cơm nguội còn thừa từ tối hôm trước.
Ông Dũng tâm sự, để trang trải cuộc sống hàng ngày và tích cóp một ít phòng khi ốm đau, ông phải lao động miệt mài. Tuổi tác khiến sức khỏe của ông không còn tốt như trước, nhưng ông cố gắng làm được ngày nào hay ngày đó.
Khi được hỏi, cả ông Trình và ông Dũng đều bày tỏ điều lo lắng nhất của các ông ngoài tiền công lao động thấp, là không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, kể cả khi gặp phải tai nạn lao động và phải nghỉ việc dài ngày.
Khó khăn tiếp cận các chính sách xã hội
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận xét, mặc dù là nguồn lực lớn giúp duy trì việc làm cho một phần lớn dân số, nhưng lao động phi chính thức lại tạo ra nhiều thách thức lớn cho nền kinh tế và xã hội. Lao động phi chính thức thường gặp phải những rủi ro về việc làm, không có hợp đồng lao động rõ ràng và ít được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay các quyền lợi khác.
Các số liệu thống kê cho thấy, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn đáng kể so với lao động chính thức. Trong giai đoạn 2021 - 2023, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn từ 2,4 đến 3,7 triệu đồng so với lao động chính thức. Mức chênh lệch này cao nhất ở nhóm chủ cơ sở có đăng ký kinh doanh và nhóm chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh, với sự chênh lệch lên đến 9,2 triệu đồng vào năm 2022.
Điều này phản ánh những khó khăn mà các chủ cơ sở phi chính thức gặp phải chẳng hạn như thiếu vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định và thiếu sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Trong khi, các chủ cơ sở chính thức có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính và các chính sách hỗ trợ từ đó giúp duy trì và thậm chí gia tăng thu nhập của họ.
Về mặt giới tính, thu nhập giữa nam và nữ có sự chênh lệch rõ rệt trong cả hai nhóm lao động. Nam giới luôn có mức thu nhập cao hơn nữ giới trong tất cả các năm. Ông Vũ Quang Thành cho rằng, sự chênh lệch thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ trong khu vực phi chính thức có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có sự phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng và thăng tiến nghề nghiệp.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhận định, mặc dù lao động phi chính thức được xem là "yếu thế", các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể chuyển nhóm lao động này sang khu vực chính thức.
Tuy nhiên, ông Trung cũng lo ngại về gánh nặng xã hội khi tỷ lệ lao động phi chính thức quá cao. Nhóm này không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, tính ổn định thấp và cũng không thể quản lý được, do đó rủi ro rất lớn.
Theo thống kê, tới 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ loại hình bảo hiểm nào. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (2,1%) lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và chỉ 0,1% có bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc phần lớn lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội đang đặt ra những rủi ro lớn cho người lao động khi gặp phải tình huống mất thu nhập, đồng thời tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, mặc dù lao động phi chính thức là một thành phần không thể thiếu trong một quốc gia phát triển như Việt Nam, tỷ lệ lao động phi chính thức cao sẽ cản trở sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Chính vì vậy, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ lao động phi chính thức trong thị trường lao động.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lao-dong-phi-chinh-thuc-thap-thom-vi-thu-nhap-thap-con-it-duoc-huong-cac-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-8357.html